Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Lại chuyện trường Tây

Sau bài của bác Chó (vô cùng chí lý), lại có bác mới phản biện hay quá, bố cứ phải lưu lại trên này. Ai chả có quyền đưa ý kiến...
1/ Về trường Albert Sarraut, theo quan điểm về chuẩn trường tây của cụ Chó, không phải là trường tây. Thứ nhất, trường này có đội ngũ thầy giáo An Nam là chính, thầy giáo tây ít thôi. Giáo trình cũng không phải tây, sách Quốc văn giáo khoa thư, nhiều giáo trình khác và cả tư duy giáo dục, do có nhiều giáo sư Việt Nam, cũng còn nhiều chất An Nam Mít, chỉ có điều là theo một đẳng cấp hơn hẳn bây giờ.

Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện phụ. Chúng tôi (lâu lắm mới thấy một cụ xưng ở ngôi thứ nhất số ít là chúng tôi) cũng sắp đến lúc phải cân nhắc xem cho con học trường tây hay trường ta. Đúng như cụ Chó nói, không đơn giản chút nào. Suy rộng ra, đây còn là vấn đề xã hội, văn hóa, ôi thôi nhiều thứ phức tạp lắm.

2/ Ưu điểm của trường tây thì dễ thấy rồi, vì bỏ ra một đống tiền mà, nhưng ngay trong những cái ưu điểm, chúng tôi cũng thấy có mặt trái. Ít phải học thì theo chúng tôi ở trường mậu dịch cũng có thể được, quan trọng là phải định hướng đúng cho con em, dứt khoát không để chúng biến thành thể loại đầu to mắt cận, mà phải hướng đến hiệu quả. Cũng đừng bắt các cháu áp lực trường chuyên, lớp chọn với lại loại giỏi loại khá này nọ thì chúng tôi cho rằng học trường mậu dịch cũng không phải học nhiều mà vẫn hiệu quả. Cần ví dụ: cụ Chó, một người vừa nói được tiếng tây, vừa am hiểu truyện Kiều, cụ Sù, chuyên gia đa ngành đa lĩnh vực, cụ Nhienanh, vừa bán ống nhổ vừa viết tiểu thuyết. Đấy là chỉ nói mấy cụ ít tiếng tăm. Còn nói các cụ tên tuổi, học thức thì hầu hết đều học trường mậu dịch cả. Tính đến nay, chưa thấy có em nhỏ nào học trường tây gây được tiếng vang.

Thứ hai là tự tin, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm... thì cũng tùy. Tất nhiên có rèn luyện thì có tốt, nhưng theo em mấy trò này ra đời cũng không dọa được ai, vì quan trọng là tố chất thôi. Vả lại cái kỹ năng làm việc nhóm chẳng hạn, học được không hẳn là phân nhóm thảo luận đề tài, lập đề án trong trường. Nhiều khi đá bóng, đánh bi-a hay chơi võ lâm truyền kỳ rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm còn tốt hơn, quan trọng là định hướng.

Thứ ba là ngoại ngữ. Giỏi ngoại ngữ hẳn nhiên là tốt, nhưng cái giá phải trả là Việt ngữ sẽ vớ vẩn. Nói đến đây, như cụ Trotan (và nhiều cụ khác) hẳn cho rằng thời đại thế kỷ 21, chỉ cần Mỹ ngữ, Mỹ kim, hoặc thêm Khựa ngữ, Khựa kim (cái này các trường tây ở VN chưa có) là đủ, cần gì Việt ngữ. Tuy nhiên, với tư cách một người từng học nhiều ngoại ngữ, dù chẳng ngoại ngữ nào đến nơi đến chốn, chúng tôi tin rằng nếu không giỏi tiếng Việt, thì học ngoại ngữ cũng chỉ đến mức chỉ chỏ, gọi cơm, đặt phòng là hết, khó mà tiếp thu được Shakespeare hay Martin Luther King. Nếu thế, các em học trường tây mãi mãi là loại hai về ngôn ngữ. Tiếng tây hẳn nhiên không bằng tây, nhưng tiếng ta cũng lõm bõm, thật là không cái hại gì cho bằng. Tóm lại, do các em sống trong một nền văn hóa Vịt, một xã hội Vịt, nền tảng Vịt, phải có văn hóa nền cho các em đứng vững trên đó đã "nhưng con ơi trước mắt, sống cuộc đời trái đất"@CHC.

Chúng tôi không mê muội ca tụng văn hóa Vịt là đỉnh cao nhân loại, nhưng vì các cụ không đủ điều kiện để tạo ra cho con em một môi trường văn hóa hoàn toàn tây, phải tạo ra một phông nền nào đó cho con em để từ đó các em trưởng thành. Hầu hết trẻ học trường tây sẽ đứng trước vấn đề nan giải này. Truyện Kiều, Tỳ bà hành, Tam Quốc Chí, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Lều chõng, Yêu ngôn, Sương trắng miền quê ngoại, Tạ từ trong đêm, Ngọn đèn đứng gác hẳn nhiên là không biết tí gì, nhưng Shakespeare, Snoopy Dog, I Am Sam, The Godfather, Adam Smith, Abraham Lincoln... cũng lại lõm bà lõm bõm, là điều đáng nghĩ, đáng cân nhắc.

Cụ này cay độc ghê!!!

la_communista

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét