Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Cho con học trường Tây

Đây là post của bác Chó trắng (nào đó) trên một diễn đàn chất lượng. Bố thấy hay quá nên copy cho vào đây...

Là một người đi trước vài bước, nhân thấy một số cụ quan tâm vấn đề này, cũng là để tránh làm loãng topic của cụ Đĩ, một người Nam định mà tôi yêu quí, nay tôi xin mở mạch riêng cho các cụ thảo luận vì đây là chủ đề được nhiều vị phụ huynh quan tâm nghiêm túc cho các cháu sắp đến tuổi đi học.

Chúng tôi cũng chưa đề cập đến học phí vì việc này các bạn có thể dễ dàng hỏi nhà trường, 5' là ra ngay. Theo chúng tôi điều quan trọng hơn là những ý tưởng phía sau cuộc chơi này.

Chúng tôi cũng không bình luận loại trường nào hay hơn, vì mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng, tư duy cũng khác nhau nên việc cho con học trường "mậu dịch" hay trường Tây đều tốt cả, miễn là nó phù hợp với mình.

Ngược lại lịch sử thì tại Bắc Việt Nam, việc học trường Tây đã có lịch sử lâu đời, chắc phải trên trăm năm, khi người Pháp đô hộ xứ Đông dương, lập ra trường Albert Sarraut, rồi "Trường Trung học Bảo hộ" tức Trường Bưởi theo cách gọi Việt tức trường Chu Văn An cạnh Hồ Tây bây giờ. Câu chuyện trường Tây có từ lâu đời vì thế.

Hiện nay, để minh bạch về tư duy, cần định nghĩa rõ thế nào là "trường Tây", theo chúng tôi đó là trường phải đạt tối thiểu 3 yếu tố sau:
  • Chương trình hoàn toàn của Tây.
  • Thầy giáo Tây là chính
  • Cơ sở vật chất như Tây
Xét như vậy, tại Hanoi chỉ có 2 trường là UNIS và HaIS là tương đối đạt chuẩn, còn các trường khác, cho dù có thầy cô nước ngoài, giáo trình bổ sung bên ngoài nhưng vẫn học theo chương trình bắt buộc của Sở Giáo dục & Đào tạo HN thì cũng nên chỉ gọi là trường "tăng cường ngoại ngữ" mà thôi và không phải đối tượng bàn đến tại đây.

Ví dụ UNIS (UN Intl' School) là trường gốc ngày xưa dành cho con cái các nhân viên ngoại giao đóng tại HN, con các nhân viên LHQ, các chuyên gia sang công tác...vì thế họ hoàn toàn dạy theo hệ thống của họ, không phụ thuộc vào VN, hiện nay trường này theo chủ trương mới có nhận thêm con em người VN nhưng có giới hạn, có tiền cũng chưa chắc có chỗ, bạn phải đợi trong Waiting List và đôi khi việc đợi này làm nhỡ năm học của các cháu.

Gian khổ là thế, còn học thì được gì? Đây là điều rất khó minh triết vì cái gì chả có 2 mặt, tổng kết như sau:

1. Ưu điểm:

Ưu lớn nhất là con bạn ít phải...học, là cái mà nhiều cha mẹ kêu trời vì chúng nó học trường mậu dịch phải "cày" ghê quá, cận lòi mắt vẫn phải học thêm. Học trường Tây thì quên chuyện thày bắt học thêm đi!

Thứ hai là trẻ sẽ tự tin hơn, giao tiếp tốt, kỹ năng thuyết trình giỏi, kỹ năng nhóm khá...đại khái thế.

Tiếp là ngoại ngữ rất tốt, không có gì là thần thánh cả mà đơn giản vì hàng ngày nghe thầy Tây, bạn cũng Tây nốt bi bô suốt ngày, tối về chát tiếp với bạn...làm gì nói chẳng ngon phỏng ạ.

Thể lực tốt vì bắt buộc phải chơi thể thao, ai cũng tham gia vào một đội nào đó và có thi đấu thường xuyên.

Cơ sở vật chất tốt, WC sạch sẽ vệ sinh, bố mẹ yên tâm được, đi-về có xe đón tận nhà.

2. Nhược điểm: Cũng đầy.

Nhược lớn nhất là đắt đỏ quá so với thu nhập của người dân, bạn phải có rất nhiều tiền mới đeo đuổi cuộc chơi này được, nên nhớ trẻ đã học trường Tây nếu vì lý do nào đó (ví dụ bố mẹ hết tiền giữa chừng...) sẽ rất khó tái hòa nhập trường mậu dịch, đặc biệt là các lớp cao như cấp 3, lúc ấy thi Đại học chỉ có đứt cước, đậu thế nào nổi!

Vì thế tài chính luôn là mối lo ngại, không chỉ cho cấp học phổ thông mà còn là Đại học vì học xong PT nó phải theo nốt cái hệ thống "Tây" đấy chứ có thi đỗ ĐH trong nước đâu! Tóm lại là một mớ tiền nữa.

Nhược thứ hai là tư duy, tính cách trẻ sẽ khác, đôi khi mình không kiểm soát được nó, mình vào phòng nó là phải hỏi, cấm bố mẹ không lục lọi phòng nó, sau này học xong chưa chắc nó đã về nước, có khi nó lấy vợ Tây nữa cơ, nói chung là rách việc!

Nhược thứ 3 là đôi khi học dễ quá đâm ra nhiều cháu lại lười, kiến thức đôi khi hổng.

Phải nói giáo dục của Tây hay của nó, cái này ta không phủ nhận được, Trường Bưởi xưa kia đã đào tạo ra toàn các tên tuổi lớn như Phạm Quỳnh, Ngụy Như Kontum, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Khắc Viện, hoàng thân Sihanouk, Tôn Thất Tùng...và hàng tá danh nhân khác.

Nhưng với tư cách một người được học dưới mái trường XHCN, sau này đi làm cũng không đến nỗi kém Tây lắm, chúng tôi cho rằng nếu biết học và tự học thì học trường mậu dịch cũng không sao, có điều bạn phải cố gắng nhiều hơn vì bệ phóng này có vận tốc ban đầu V(0) thấp quá

Lý tưởng nhất là cho con học mậu dịch xịn (các trường chuyên) và sau này cho học đại học nước ngoài, vừa kinh tế lại vừa giỏi mà GS.Ngô Bảo Châu là ví dụ, khổ nỗi con nhà mình có thi đậu trường chuyên không lại là vấn đề!

Không đơn giản chút nào, mà trên đời làm gì có cái gì đơn giản?

Vui nhể?!

Xem thêm: Phản bác của bác la-comunista.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét