Giới trẻ Mỹ không bắt buộc phải đến trường, cũng chẳng học theo một chương trình thống nhất.“Không cần” tới trường
Nhà trường chỉ đóng vai trò là một trong những thành phần có nhiệm vụ giáo dục những công dân Mỹ tương lai. Nhà trường không thể thay thế được gia đình, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo, văn học nghệ thuật, viện bảo tàng, lễ hội, các phương tiện thông tin đại chúng, các hoạt động thể thao… Giới trẻ Mỹ có thể học ở nhà theo chế độ home schooling (học tại gia).
Chế độ học tại gia cho phép cha mẹ tự giáo dục con cái mà không cần phải có chứng chỉ gì đặc biệt. Nhiều người Mỹ cho rằng, đó là cách để trẻ em phát huy tính tự lập, chủ động trong cả 365 ngày, chứ không chỉ tiếp nhận kiến thức một cách thụ động như khi đến trường.
Nhiều gia đình không sử dụng các tài liệu hướng dẫn hay chương trình giảng dạy chính thức mà căn cứ vào thiên hướng và phong cách của trẻ để áp dụng phương pháp cụ thể. Thời gian học tập hàng ngày không quá kéo dài. Thời gian còn lại dùng để đi du lịch, tham quan, đọc sách, nghiên cứu hay tham gia hoạt động từ thiện. Có khoảng 1 triệu gia đình ở Mỹ đang áp dụng hình thức dạy tại nhà và con số này tăng lên khoảng 15%/năm.
Không học chương trình thống nhất
Chương trình học của các trường phổ thông Mỹ khác nhau tuỳ theo từng bang, vùng, quận, thậm chí là từng trường. Vì không theo giáo trình thống nhất nên trình độ học sinh khi tốt nghiệp trung học cũng khác nhau. Do đó, các trường đại học ở Mỹ thường có 3 môn bắt buộc: Học nghĩ, học nói và học viết ở năm thứ nhất. Bên cạnh những sinh viên có vốn hiểu biết sâu rộng thì cũng có sinh viên thậm chí viết tiếng Anh còn sai chính tả và ngữ pháp. Tuy vậy, họ có một điểm chung là rất tự tin.
Ở nước ta, chấm điểm là biện pháp nhằm xếp loại học sinh và đánh giá giáo viên. Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên chạy theo thành tích và rất nhiều học sinh bị tâm lý tự ti. Không tự ti sao được khi một đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 12 luôn “đội sổ” và bị công bố cho tất cả bạn bè cùng lớp biết. Ở Mỹ, việc chấm điểm là vấn đề tế nhị, thường giữ kín. Nó là cơ sở để học sinh tự biết mình và để giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy đối với từng học sinh.
Các trường Mỹ luôn cố gắng để học sinh không cảm thấy “thua chị kém em”. Thi tốt nghiệp phổ thông ở Mỹ không có vai trò quan trọng như ở Việt Nam hay Châu Âu. Có thể nói, nhà trường ở Mỹ không nhằm mục đích thi cử.
Không có sách giáo khoa chung
Việc lựa chọn sách giảng dạy thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên trách địa phương và nhà trường nhưng vai trò của giáo viên và phụ huynh cũng rất quan trọng. Chẳng hạn như việc cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Hoa Kỳ đoạt giải Nobel – John Steinbeck, “Of Mice and Men” (Của chuột và người) cùng hai tác phẩm kinh điển khác là “The Adventures of Huckleberry Finn” (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) của Mark Twain và “To Kill a Mockingbird” (Giết chết một con chim Mocking) của Harper Lee đã bị cha mẹ học sinh các trường trung học phản đối và đòi đưa ra khỏi chương trình văn học.
Hai trường trung học Normal Comunity High School và Normal West High School đã phải thành lập một chuyên ban gồm: Hiệu trưởng, một chuyên gia thông tin đại chúng và một giáo viên để nghiên cứu và trả lời ý kiến của cha mẹ học sinh.
Nhà trường như doanh nghiệp
Nếu ở Việt Nam, thương mại hoá giáo dục vẫn gây tranh cãi và bị nhiều người coi là tồi tệ thì ở Mỹ, nó lại đang tồn tại hết sức tự nhiên.
Các trường đại học Mỹ nói chung không thi đầu vào. Quan điểm của họ rất đơn giản: Học tập là quyền chính đáng của mọi người mặc dù xuất phát điểm có thể khác nhau. Sinh viên muốn học phải trả tiền. Khi bỏ tiền để mua kiến thức, anh sẽ có ý thức học tập hơn. Còn nếu anh trả tiền mà không học thì đó là quyền của anh.
Tuy nhiên, việc đăng ký học cũng không hoàn toàn chỉ có chuyện tiền nong. Một số trường nổi tiếng khá kén chọn sinh viên. Nhiều bang cũng ưu tiên nhận sinh viên từ bang mình. Còn đối với sinh viên nước ngoài, điểm thi tiếng Anh (TOEFL) rất quan trọng.
Việc học tập ở Mỹ rất tốn kém. Mức chi tiêu tối thiểu của một sinh viên ở các trường công vào khoảng 10.000 USD/năm, còn ở các trường tư là khoảng 35.0000 USD/năm. Vì thế, trừ một số người được nhận học bổng hoặc gia đình giàu có, sinh viên Mỹ hầu hết vừa phải học vừa phải đi làm thêm.
Chất lượng giáo dục Mỹ vẫn đứng đầu thế giới
Bằng chứng là họ kinh doanh giỏi nhất, nghiên cứu khoa học giỏi nhất, đóng phim giỏi nhất, chơi đàn giỏi nhất, hát hay nhất, chơi thể thao giỏi nhất và ngay cả trong văn học cũng là một trong những nước có nhiều nhà văn đoạt giải Nobel nhất.
Phải chăng họ không ngược đời mà chính chúng ta mới ngược đời?
(DĐDN).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét