Ép học thêm những môn năng khiếu mà con không thích là một quan niệm sai của phụ huynh. |
Với tâm lý muốn con luôn phát triển vượt trội nên nhiều bậc phụ huynh hay so sánh con với các bạn cùng trang lứa giỏi hơn và coi đó là tấm gương để con có mục tiêu phấn đấu. Việc làm này vô hình trung đã biến con thành bản sao của người khác và gây nên những phản ứng ngược.Cô đơn vì bị so sánh
Cháu Hoàng Minh Phương, lớp 6A2, trường THCS Đặng Văn Ngữ, quận Phú Nhuận, TPHCM vừa ấm ức khóc vừa kể: Cháu có một người chị tên Nguyên con bác Hai. Chị Nguyên năm nào cũng là học sinh xuất sắc của trường. Chị còn tham gia các môn học năng khiếu như học đàn, học vẽ và môn nào cũng được cô giáo khen.
Còn cháu học không giỏi như chị Nguyên lại hay quên nên bị bố mẹ mắng, nhiều khi mẹ nói: Mẹ nuôi con đâu có thiếu thốn gì, lại còn đầy đủ hơn nhà bác Hai nhưng sao chị thông minh mà con kém quá, học hành cũng thua lại không biết chịu khó.
Bây giờ có món ngon cháu ăn cũng không nổi, nghĩ đến câu nói của mẹ cháu thấy buồn lắm, không phải cháu không cố gắng nhưng sao tính cứ hay quên. Cháu thấy rất cô đơn trong ngôi nhà của mình và nhiều khi tự hỏi không biết bố mẹ có thương cháu hay không. Cháu xin gì cũng sợ vì bố mẹ đặt điều kiện ngược lại là phải cố gắng học giỏi như chị cháu thì muốn gì cũng có nhưng cháu làm không được.
Nhiều buổi chiều đi học ra sớm cháu lại đi lang thang ngoài đường phố cho đỡ buồn và tự hỏi mình: Tại sao mình phải bắt chước cho giống người khác trong khi mình không có khả năng ấy và cháu cũng không thích nói chuyện với chị ấy nữa.
Anh Hoàng Thanh Huy, phụ huynh cháu Phương cho biết: Ai trong nhà cũng đề cao chị Nguyên để cháu cố gắng học tập, không ngờ là Phương càng ngày càng xa lánh chị và thu mình lại, cháu lại tỏ ra bất cần và ngang bướng nên tôi biết mình đã sai trong việc dạy con theo cách này.
Chia sẻ, khích lệ sẽ tốt hơn áp đặt, so sánh
Thầy Lương Quốc Dũng, trường THPT Tư thục Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình cho biết: Không chỉ trong gia đình mà trong lớp học không ít lần thầy cô cũng mang học sinh giỏi ra làm biểu tượng và bắt những học sinh yếu hơn phải học tập sao cho bằng bạn.
Chỉ là những câu nói so sánh vô tình nhưng sẽ làm tăng khoảng cách giữa học sinh giỏi và học sinh trung bình, những em yếu hơn sẽ nảy sinh sự tự ti, mặc cảm và có thể sẽ trở thành những học sinh cá biệt. Mỗi người đều có sở trường riêng của mình, phụ huynh cũng nên quan sát con để khích lệ và động viên đúng cách để định hướng cho sự phát triển của con chứ không nên so sánh.
TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, khoa Tâm lý trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết: Bố mẹ hãy tìm hiểu điểm mạnh, điểm yếu của con để phát huy đúng cách thay vì bắt con phải rập khuôn theo một hình mẫu nào đó mà mình cho là đúng. Việc làm này của bố mẹ cũng là chủ quan và tính thành tích của người lớn.
Điểm mạnh của người này không hẳn sẽ là mạnh của người khác nên dù có cố cũng sẽ không mang lại kết quả tốt, dạy con theo hướng chia sẻ, khích lệ sẽ tốt hơn là áp đặt, so sánh với hình mẫu. Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu nên không thể so sánh sở trường với sở đoản. Nếu các bậc phụ huynh luôn so sánh con sao không bằng bạn bè vô tình thui chột tính tự tin của con và biến chúng thành người vô dụng.
Đã có nhiều trường hợp phụ huynh tâm sự rằng, ngày nào cũng lấy cho con ví dụ về tấm gương sáng trong học tập và hiếu thảo trên sách báo kể cho con nghe với phương châm "mưa dầm thấm đất". Mới nghe cháu không nói gì nhưng nhiều lần sau đó cãi lại: Sao bố mẹ không sinh ra những người con như vậy để được hãnh diện mà sinh ra con để ngày nào cũng phải nhắc, con cũng thấy chán cho chính mình.
Quỳnh Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét