Hồi trước, Bean tồ với vài em bé và các bố bị ảnh hưởng của cái nhảm nhí này rất nhiều, nay mới tìm được bài nói về cơ sở khoa học của chuyện này.Đã từ rất lâu có một lời khuyên cho mẹ của em bé là các em bé ngay khi nằm trong bụng mẹ đã có khả năng nghe nhạc và nghe những lời bố mẹ mình nói, do vậy những người mẹ đang mang thai trên thế giới thường được khuyến khích nói chuyện với con của mình ngay khi còn nằm trong bụng mẹ. Trong những năm gần đây, đã có khá nhiều các nghiên cứu khoa học trên thế giới được thực hiện để xem điều này có thật sự chính xác hay không, ngay kể cả việc đo âm thanh nhận được trong tai của thai nhi. Các nghiên cứu này đều chỉ ra rằng tử cung của mẹ sẽ loại bỏ phần lớn các âm thanh từ bên ngoài, trừ những âm thanh có tần số thấp có thể được nghe thấy còn những âm thanh có tần số cao sẽ bị làm méo/biến dạng như là cổ họng bị bóp nghẹt khi phát âm. Các nhà nghiên cứu cho rằng những nguyên âm kéo dài sẽ có thể được nghe thấy một chút chứ những phụ âm có tần số cao chắc chắn sẽ không được trẻ nghe thấy. Điều đáng ngạc nhiên nữa là nhạc có nhiều âm trầm (bass) sẽ được trẻ nghe thấy tốt hơn là nhạc cổ điển với các nhạc cụ chơi ở nốt cao.
Tiếp tục nghiên cứu, các nhà khoa học cũng kết luận rằng cho dù thai nhi có thể nghe lõm bõm được một vài âm thanh từ giọng nói của bố mẹ thì việc phân tách rõ ràng các từ được nói ra là không thể. Nói cách khác, những âm thanh thai nhi nghe được chỉ như những tiếng lào xào lào xào mà thôi. Thai nhi nhỏ hơn 30 tuần tuổi không có phản ứng với bất kỳ âm thanh nào.
Tai của thai nhi khi nằm trong bụng mẹ chứa đầy nước, do vậy âm thanh sẽ truyền qua xương của thai nhi nhiều hơn là truyền qua môi trường nước này. Điều này dẫn tới việc giọng nói của mẹ thai nhi sẽ được nghe thấy rõ nhất do được vang từ cổ họng truyền qua cơ thể mẹ tới thai nhi. Các nghiên cứu cũng tin rằng trẻ có thể nhận biết được âm nhạc mà chúng nghe thường xuyên trước khi chúng sinh ra, tuy vậy không có bất cứ chứng cứ nào cho thấy một loại nhạc nào đó (ví dụ nhạc cổ điển) lại có thể làm cho trẻ thông minh hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét