Những thực phẩm tươi như rau xanh, trái cây và các loại thịt rất nhanh hỏng. Nếu không được bảo quản đúng cách, chúng sẽ mất dần hương vị, dưỡng chất và độ tươi ngon.Việc bảo quản thực phẩm đúng cách không chỉ giúp bạn chế biến được nhiều món ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng mà còn góp phần chống lãng phí cho “ngân sách” của gia đình. Sau đây là một số bí quyết giúp bạn bảo quản những thực phẩm thường dùng.
1. Những loại trái cây và rau xanh không cần bảo quản lạnh
Đối với một số loại rau, bạn không cần phải giữ lạnh mà chúng vẫn tươi trong vài ngày. Những thực phẩm này cần được để ở những nơi tối, mát trong nhiệt độ bình thường, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp và hơi nóng.
Chuối: Bạn chỉ cần đặt chuối vào đĩa đựng trái cây trong 3 ngày sau khi chúng bắt đầu chín tới, sau đó mới cần cho vào tủ lạnh.
Táo: Bảo quản táo ở nhiệt độ bình thường trong khoảng 5 ngày đầu, sau đó có thể giữ lạnh để dùng được lâu hơn.
Mận và những loại trái cây có hạt: Khi chúng chưa chín, bạn có thể cho vào túi giấy và để ở bên ngoài đến khi chín thì bảo quản lạnh.
Hành và khoai tây: Những loại rau này không cần giữ lạnh mà chỉ cần để ở nơi khô và tối.
2. Những loại rau xanh và trái cây cần được bảo quản lạnh
Củ dền, cà rốt và củ cải: Cắt bỏ phần lá xanh trên ngọn, cho chúng vào những chiếc túi nhựa khô và giữ lạnh.
Dưa chuột, ớt chuông và bí: Những loại rau này nên để ở nơi khô mát hoặc cho vào túi nhựa và giữ lạnh.
Các loại rau có nhiều lá: Bạn cần “chăm chút” chúng cẩn thận hơn những loại rau củ khác. Trước tiên, cần rửa sạch lá và để chúng thật ráo nước rồi mới cho vào túi nhựa khô giữ lạnh.
Bắp: Giữ nguyên phần vỏ bắp để các hạt bắp bên trong không bị khô.
Nấm: Nấm chưa được rửa sạch bảo quản trong các túi giấy sẽ giữ được lâu hơn.
Đậu ve: Nếu chưa cần dùng ngay, bạn nên để chúng trong một chiếc túi nhựa riêng biệt mà không cần cắt bỏ phần cuống ở hai đầu của trái đậu.
Điều quan trọng nhất cần lưu ý khi bảo quản các loại rau xanh và trái cây là phải cho chúng vào những chiếc túi riêng biệt. Trái cây và rau xanh sẽ thải ra khí ethylene, một loại khí gas không mùi, có khả năng đẩy nhanh tốc độ chín của các loại rau xanh và trái cây xung quanh, làm rau trái nhanh hỏng. Một số loại rau xanh như cải bó xôi sẽ thoát khá nhiều hơi nên sẽ làm hỏng các loại rau được để cùng.
3. Kỹ thuật bảo quản một số loại thực phẩm khác
Thịt và gia cầm: Những loại thịt này nên giữ nguyên bao bì, bảo quản riêng trong ngăn hoặc hộp chuyên để thịt và chỉ sử dụng trong khoảng 2 ngày. Nếu cần để lâu hơn, nên gói chúng bằng giấy bạc và cho vào ngăn đông. Thịt lợn muối xông khói và giăm bông cần cho vào hộp và dùng một chiếc khăn có nhúng dấm đậy lên phía trên.
Cá: Cá có mùi khá mạnh. Do đó, bạn không nên giữ chúng chung với các loại thực phẩm khác vì chúng sẽ lây mùi sang những thứ được bảo quản cùng. Ngoài ra, nên luộc cá trước khi cho chúng vào ngăn mát của tủ lạnh hoặc giữ đông trực tiếp.
Trứng: Trứng cần được giữ nguyên trong hộp hoặc đặt vào kệ đựng trứng chuyên dụng trong tủ lạnh.
Sữa: Sữa có đặc tính dễ hấp thu mùi vị của những thực phẩm khác. Chính vì vậy, bạn không nên để sữa chung với các loại rau xanh, trái cây hoặc thực phẩm có mùi mạnh. Tốt nhất là nên giữ nguyên bao bì của chúng hoặc cho vào hộp có nắp đậy kín rồi đặt vào ngăn mát của tủ lạnh.
Phó mát: Vì phó mát rất nhanh khô nên bạn cần dùng màng bọc thực phẩm để bọc chúng lại thật gọn gàng trước khi bảo quản lạnh.
Gia vị: Để “khống chế” mùi hương của các loại gia vị trong một thời gian dài, nên cho chúng vào các lọ thủy tinh có nắp kín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét