Dạy kỹ năng sống từ sớm sẽ giúp hình thành lối sống, nếp sống có ý thức cho trẻ. |
Sắp đến hè, nhiều phụ huynh lại đi tìm các lớp ngoại khóa cho con. Nhiều người đã cân nhắc nên cho con học kỹ năng sống và các môn năng khiếu thế nào cho phù hợp. Có ý kiến cho rằng kỹ năng sống thực sự cần thiết, nhưng thời điểm nào học là hợp lý nhất?Cho học từ 3 tuổi
TS giáo dục học Trương Thị Kim Oanh: Kỹ năng sống phải dạy từ thực tế.
Tôi không phản đối việc cho trẻ theo học các khóa dạy kỹ năng sống nhưng để những khóa học này thành công, lý thuyết vẫn phải đi đôi với thực tế. Tuy nhiên, theo tôi, không nên hiểu kỹ năng sống là vấn đề to tát đưa ra "lên lớp" cho trẻ, mà phải hiểu kỹ năng sống là cách ứng xử trước những tình huống nhỏ nhất trong cuộc sống. Ngay từ khi trẻ lên ba, cha mẹ đã phải chú ý giáo dục con khả năng tự lập, như dạy con dọn đồ chơi sau khi chơi xong, dạy con biết rửa tay và khi nào phải rửa tay, biết lau miệng sau khi ăn, biết đi vệ sinh đúng chỗ, biết chào hỏi... Trẻ học kỹ năng sống ngay tại nhà, thầy cô chính là cha mẹ mình, là cách học hay nhất, hiệu quả nhất, vì trẻ được học ngay trong những tình huống ứng xử thực tế, gần gũi với đời sống của trẻ.
TS Phan Quốc Việt (giám đốc Trung tâm Đào tạo Kỹ năng Tâm Việt): Bắt đầu học từ 3 tuổi là hợp lý nhất.
Học kỹ năng sống không đơn giản là các kỹ năng nói chung mà còn là việc tạo ra nhân cách con người. Đó là thái độ sống, giá trị sống căn bản như tạo cho trẻ tính thật thà, dũng cảm, biết cách thương yêu và biết cách vượt lên hoàn cảnh sống. Nó giúp trẻ biết cách tổ chức cá nhân, cách chào hỏi, cách sắp xếp đồ chơi, cách trình bày vấn đề ngắn gọn súc tích. Vì thế, cho trẻ học kỹ năng sống vào khoảng 3 tuổi - lúc trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo là tốt nhất. Nếu cho trẻ học sớm hơn thì trẻ rất khó tiếp thu vấn đề và chưa hiểu, chưa phân biệt được. Ngược lại, nếu cho trẻ đi học muộn quá, khi những kỹ năng đã hình thành thói quen sẽ rất khó sửa.
ThS Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao (trưởng bộ môn Tâm lý, trường Đại học Sài Gòn, TPHCM): Giúp trẻ tự tin.
Xu hướng giáo dục quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ dẫn đến có một bộ phận trẻ em trong các trường thiếu hụt hiểu biết về môi trường xung quanh, ứng xử cần thiết trong cuộc sống. Các bậc phụ huynh có thể cho trẻ học kỹ năng sống tại các nhà văn hóa bất cứ thời gian nào trong năm, nếu như có điều kiện thời gian. Kỹ năng sống sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể. Muốn định hướng thời gian học tập giữa kỹ năng sống và năng khiếu cho các em, phụ huynh phải có kế hoạch rõ ràng. Rèn kỹ năng sống lúc nào trẻ cũng có thể tham gia, còn học các môn năng khiếu phải phụ thuộc vào khả năng thích ứng của trẻ.
Cô giáo Phó Thị Thu Hường (tổng phụ trách trường THCS An Khánh, Hà Nội): Môi trường thực hành từ gia đình.
Cha mẹ phải lưu ý rằng không phải quẳng con vào một lớp học kỹ năng là trẻ sẽ được học đầy đủ các kỹ năng đó trong cuộc sống. Học xong, trẻ không được thực hành trong những môi trường phù hợp thì việc học đó cũng dễ thành uổng phí. Vì vậy, cha mẹ phải tìm hiểu kỹ về chương trình học, phối hợp với chương trình đó để tạo điều kiện cho trẻ thực hành, gia đình chính là môi trường lý tưởng nhất để trẻ thực hành những kỹ năng chúng được học.
Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Giáo dục đã thực hiện một đề tài nghiên cứu về kỹ năng sống của thanh niên cho thấy, 83% học sinh thiếu các kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng tập trung cho hành trang vào đời của mình. Thậm chí, nhiều người còn phàn nàn giới trẻ thiếu kỹ năng để giữ gìn hạnh phúc gia đình, kiểm soát bản thân, rèn chỉ số cảm xúc, làm chủ sự thay đổi, làm chủ thời gian sống, hoạch định mục tiêu nghề nghiệp, mục tiêu cuộc đời, ra quyết định. Trong một chương trình khảo sát về kỹ năng sống được thực hiện trên 1.000 học sinh - sinh viên Việt Nam của Viện Nghiên cứu Môi trường và Các vấn đề xã hội, kết quả cho thấy: 95% sinh viên chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống. 77,7% chưa bao giờ được đào tạo. 76,4% cho biết rất cần được tập huấn kiến thức về kỹ năng sống. Hầu hết các bạn lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống. |
Cô giáo Lê Vân Anh (chủ nhiệm lớp 2C, trường Tiểu học Trung Tự, Hà Nội): Cho trẻ học thứ chúng hứng thú.
Việc dạy kỹ năng sống từ sớm sẽ giúp hình thành lối sống, nếp sống có ý thức cho trẻ. Muốn tạo thành nếp phải có thời gian dài để trẻ thấm nhuần chứ không phải cứ dạy cho trẻ kỹ năng sống trên lý thuyết là trẻ có thể áp dụng được ngay. Dạy kỹ năng sống là dạy cho trẻ những điều gần gũi trong cuộc sống, những tình huống có thật xảy ra trong cuộc sống, cần một quá trình và phải tạo được sự hứng thú cho trẻ. Hiện nay đang xảy ra tình trạng cứ mùa hè là cha mẹ nhồi nhét trẻ vào những hoạt động ngoại khóa mà bản thân chúng không thích thì việc làm đó chỉ gây tốn kém về tiền bạc và thời gian.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (Công ty Openasia Group, 43 Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội): Gắn với những tình huống có thật.
Khi ở nhà, ông bà, cha mẹ dạy trẻ những điều nhỏ nhặt nhất, những thứ rất đời thường trong cuộc sống của chúng ta mà nhiều khi không nghĩ rằng đó chính là dạy kỹ năng sống rồi. Hoặc ngược lại, mấy ai nói cho con biết cái biển "exit" ở những nơi công cộng ấy để làm gì, trong tình huống nào. Muốn nói với con điều này, cha mẹ phải chỉ cho con thấy cái biển đó, chứ không phải chỉ ngồi ở nhà mà bảo con khi thấy có sự cố, hỏa hoạn... thì phải chạy theo hướng mũi tên đó. Cho nên, theo tôi, dạy trẻ phải là những tình huống có thật, sờ được, cầm nắm được, nhìn thấy được; chứ nếu chỉ học lý thuyết mà không có thực tế cuộc sống thì cách dạy đó không hiệu quả với trẻ con. Tôi không cho con theo học những khóa học kỹ năng sống là vì vậy, cha mẹ đã chính là một kho tàng kỹ năng sống rồi còn gì.
Chị Nguyễn Mộng Hiếu (phó hiệu trưởng trường Mầm non Bình Minh, phường 13, quận 6, TPHCM): Dạy cho trẻ vào học kỳ thứ III.
Nhà tôi có 2 cháu trong độ tuổi lớp 3, lớp 4, tôi cho các cháu học các lớp như võ thuật, chơi đàn ghi ta, đánh trống.... Hè này tôi cũng đang sắp xếp cho các cháu theo học lớp kỹ năng sống mềm, kết hợp một số lớp năng khiếu khác, để các cháu phát triển toàn diện hơn. Phụ huynh học sinh nên dùng học kỳ thứ III trang bị kỹ năng sống cho trẻ là phù hợp. Theo tôi, phương pháp "học mà chơi, chơi mà học" giúp rèn kỹ năng sống cho trẻ hiệu quả nhất.
Chị Phạm Hương Giang (Tây Hồ, Hà Nội): Có kỹ năng, trẻ sớm trưởng thành hơn.
Mùa hè năm nào tôi cũng tìm các lớp học kỹ năng cho con mình. Ngoài việc học các kỹ năng, tôi còn cho con đến các lớp học năng khiếu mà cháu thích như học đàn, học vẽ, thậm chí là học làm bánh... để lấp đầy khoảng thời gian được nghỉ hè của cháu. Sau những khóa học này, tôi nhận thấy cháu cứng cáp hơn, ứng xử nhanh nhạy hơn nhiều trẻ cùng lứa. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho cháu đi học cũng là một khoản phải suy nghĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét