Thứ Hai, 31 tháng 1, 2011

Cần giáo dục học sinh hướng đến tương lai

Cô Dương Thu Trang đã gửi những tâm sự của một giáo viên trong thời gian tìm tòi, ứng dụng phương pháp mới trong dạy môn văn ở trường THPT. Đó là một quá trình cần nhiều thời gian và công sức bỏ ra, để rồi đích đến cuối cùng là khơi gợi cho học trò sự yêu thích môn học, chủ động trong môn học của mình.
Tôi cứ băn khoăn mãi về cái cách mà Arthur Clarke quan niệm làm giáo dục, rằng: “Cần giáo dục học sinh hướng đến tương lai của chúng chứ không phải hướng về quá khứ của chúng ta”.

Và thật may, trăn trở này đến cùng lúc ngành giáo dục thực hiện chương trình thí điểm phân ban năm học 2003-2004, THPT Mạc Đĩnh Chi là một trong bốn trường của TP.HCM được chọn làm thí điểm.

Từ việc đưa vào sách giáo khoa những văn bản nhật dụng, những tác phẩm văn học sau năm 1975 chứa đựng vấn đề nhân sinh thế sự nóng bỏng... tôi nhận ra, mục tiêu giáo dục đã thay đổi.

Khi xã hội đặt ra yêu cầu cho giáo dục phổ thông là “thành nhân trước khi thành tài”, thì môn văn gánh một trọng trách rất quan trọng. Nó góp phần tích cực nhất, hiệu quả nhất trong quá trình hình thành nhân cách của con người. Vì ý nghĩa đó, giáo viên không dừng lại ở việc dạy học sinh những đơn vị kiến thức cụ thể, mà giúp các em nắm được một số kỹ năng cơ bản như: biết cách học, biết phân tích và phản biện, biết sắp xếp các giá trị của cuộc sống…

Để thực thi điều này, chúng ta cần hướng đến một triết lý dạy văn thích ứng. Bởi bản chất của cuộc sống là luôn vận động và tạo ra sự thay đổi. Muốn thích nghi kịp thời, người học phải biết sáng tạo. Tiềm năng này được nuôi dưỡng, kích thích và tạo điều kiện để phát triển một cách có hệ thống từ việc học văn.

Khi mục tiêu được xác định rõ ràng, tôi tiến hành thực hiện. Sự “đột phá” đầu tiên là “xua” học sinh… ra sân học. Quả là một sự liều lĩnh nhưng ngẫm lại tôi thấy thú vị. Phải tính toán thật kỹ phương án này, nếu không, sẽ mất thời gian và không hiệu quả. Đó là lần dạy bài “Phỏng vấn và trả lời phỏng vấn” (ngữ văn 11) năm 2004-2005. Lớp 11A14 rất hào hứng cho “sự kiện” này. Cô và trò đều hoạch định một cách rõ ràng từ nội dung hoạt động đến thời gian thực hiện. Các em trở nên tự tin hơn rất nhiều từ cách học này. Khó khăn cho việc học ngoài sân là học sinh các lớp ở tầng trệt bị mất tập trung.

Tạm gác những tiết học ở sân trường, khi học sinh vào lớp cũng cần duy trì cho các em lối học chủ động. Từ kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống trong sách ngữ văn 12, học sinh được yêu cầu sưu tầm “chân dung cuộc sống” và viết cảm nghĩ về nhân vật mà mình đã chọn. Bằng việc tìm - đọc – hiểu – đồng cảm đến lựa chọn, các em đã “ngấm” những triết lý sống rất đời thường nhưng vô cùng phi thường của nhật vật mà mình tâm đắc. Trong tiết dạy của mình, tôi còn nhớ, đó là lựa chọn của Ngô Kiều về chân dung Lê Vũ Hoàng – người đoạt vòng nguyệt quế của “Đường lên đỉnh Olympia” lần thứ 7. Em không ngần ngại viết về người bạn cùng thế hệ mình, rằng: “Tôi học được ở Hoàng nghị lực sống phi thường của một chàng trai vừa nghèo vừa ngặt. Tôi không hình dung cái cách mà bạn có thể vượt qua nghịch cảnh từ việc mẹ bệnh “thập tử nhất sinh”, đến công việc mưu sinh khó khăn của gia đình và cả việc học tập của bạn...”. Tôi nhận ra học sinh mình đã trưởng thành. Đó là cơ sở để các em định hướng và tìm kiếm các giá trị đích thực của cuộc sống.

Đặc biệt, ở học kỳ một vừa qua, chuẩn bị cho bài “Con đường trở thành kẻ sĩ hiện đại” ở sách ngữ văn 12, học sinh được hướng dẫn sưu tầm chân dung kẻ sĩ hiện đại. Thật bất ngờ khi các em tìm kiếm và phân tích rất ý nghĩa về các “kẻ sĩ” mà nhóm mình lựa chọn. Đó là chân dung giáo sư Trần Văn Giàu, diễn giả Trần Đăng Khoa... do các em 12A23 trình bày trước lớp. Những giá trị các em nhận được từ cách học đó nhiều hơn những gì giáo viên mong đợi...

Ngoài ra, những thông điệp “nuôi dưỡng tâm hồn” tôi sưu tầm trên mạng cũng được hệ thống lại một cách cụ thể và ngắn gọn để photo và gửi đến các em. Tôi được biết các em treo ở góc học tập, ở phòng riêng của mình để hàng ngày đọc và suy ngẫm... Tôi thấy hạnh phúc vì nhận được sự tương tác hiệu quả.

Để thực hiện triết lý dạy văn thích ứng, giáo viên cần có bản lĩnh để đột phá trong việc tìm kiếm cái mới. Và để đối diện với rủi ro từ dư luận, từ kết quả thi của học sinh. Đây là rào cản lớn nhất cho việc đổi mới phương pháp. Người giáo viên phải cân nhắc nhiều về việc làm sao để học sinh không chán học văn nhưng thi đạt kết quả tốt (đặc biệt là lớp cuối cấp). Vì cách thi hiện nay vẫn chưa giải phóng được cách dạy cũ. Martin Cross từng đưa thông điệp: “Sự thay đổi nào cũng tiềm ẩn rủi ro, nhưng không thay đổi gì cả mới chính là điều đem lại rủi ro lớn hơn”. Và lớn hơn cả rủi ro là niềm đam mê “mang các em vào cuộc tìm kiếm giá trị sống đích thực”. Điều may mắn của một giáo viên là nhận được sự phản hồi tích cực. Cô học trò quyết tâm theo nghề dạy văn như đã gửi trang nhật ký của mình đến cô giáo sau khi ra trường: “Dạy văn là bộ môn của cô. Nhưng những điều cô truyền cho chúng tôi không mang tính giáo điều, khuôn khổ. Giờ học của cô là giờ học cuộc sống. Những vấn đề xã hội được cô và chúng tôi đưa ra thảo luận trung thực để hiểu rõ hơn. Sau đó, cô chỉ dẫn và định hướng lối nghĩ, cách sống. Cô mang đến cho chúng tôi những bài học về “sự chấp nhận hoàn cảnh”, “làm thế nào để đi qua những cảm giác tiêu cực”Những bài học nhỏ ấy mang một ý nghĩa vô cùng to lớn. Đó mới là thứ mà những người học sinh chúng tôi đang “đói” trong xã hội hiện nay. Chính những điều đó làm chúng tôi lớn lên rất nhiều. Cảm thấy vững vàng trước những biến động của cuộc đời.


Nếu như quan niệm dạy Văn chỉ dừng lại khái niệm nhân ái, bao dung, “ở hiền gặp lành”… thì quan điểm giáo dục của cô là cách em yêu thương đúng, cách em chia sẻ và tha thứ đúng, quan tâm thật lòng, làm sao sống có ý nghĩa ở thời hiện đại… Điều tốt đẹp, tính nhân văn trong lối truyền đạt của cô không hề trừu tượng xa xôi… Ngược lại, nó rất gần, gắn bó hằng ngày với ta. Đúng vậy, ta có sống trọn vẹn với cái nhỏ bé, cái ta đang có thì từ đó mới nuôi dưỡng những cái to lớn hơn. Không yêu cha mẹ thì làm sao “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, không biết quê hương mình sinh ra có những đặc sản gì thì làm sao biết được nước ta rừng vàng biển bạc...” (Nguyễn Phương Hồng Đức, khoa văn, đại học Sư phạm TP.HCM).

Và qua thư điện tử, tôi nhận được những tâm sự: “Thấm thoát mà ba năm đã trôi qua, cô học trò yếu ớt ngày nào của cô giờ đã bắt đầu mạnh mẽ và kiên cường lên rất nhiều. Ba năm rồi em không hề rơi một giọt nước mắt nào kể từ ngày chia tay với 12C1 thân yêu. Cô ơi! Mỗi lúc gặp khó khăn, mỗi lúc yếu lòng và thất vọng, em lại nhớ đến cô. Nhớ những lời dạy của cô. Tất cả vẫn như ngày xưa ấy cô à! Những điều ấy luôn là lực đẩy giúp em vươn xa. Giờ đây tuy chỉ là sinh viên năm thứ 3 nhưng em đã gặt hái được những gì ngoài khả năng mà em từng nghĩ về mình. Nếu không nhờ những bài học từ cô, em giờ vẫn mơ màng trong những bước đi của mình. Cô đã trao cho em rất nhiều…rất nhiều cô à! Nếu không có cô ngày ấy… em giờ như thế nào, em cũng chẳng biết rõ nữa…


20.11 năm nay em không thể ghé thăm cô, cô đừng buồn em nhé! Tuần sau cô học trò nhỏ của cô sẽ đi thực tập sư phạm rồi. Em sẽ giảng dạy tâm lý giáo dục tại trường cao đẳng sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu. Lúc nào em cũng luôn nghĩ về cô, nghĩ đến ánh mắt khi cô bước vào lớp nhìn em… và em muốn mình sẽ trở thành một cô giáo tuyệt vời như cô vậy! (Mai Mỹ Hạnh, khoa tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM).

Đó là những “sản phẩm” của tôi. Xin chia sẻ chân thành như một sự may mắn trong sự nghiệp của mình. Điều này củng cố niềm tin cho ai còn hoài nghi về triết lý dạy văn thích ứng - cơ sở để “thành nhân trước khi thành tài”. Bởi chúng ta biết: “Có nhiều người không dám bước đi vì sợ gãy chân. Nhưng như thế thì chẳng khác gì đôi chân đã bị gãy”.

DƯƠNG THU TRANG
Giáo viên trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét