Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

Trẻ em không có xương bánh chè


Tại vị trí thực tế của xương bánh chè (dùng để bảo vệ khớp gối), trẻ em có một mẩu sụn chứ chưa phát triển thành xương bánh chè. Có khá nhiều phần xương khác trong cơ thể của trẻ cũng bắt đầu được hình thành từ các mẩu sụn (cartilage). Quá trình phát triển này gọi là cốt hóa (ossification). Khá nhiều phần xương trong cơ thể được cốt hóa ngay khi trẻ còn ở trong bụng mẹ nhưng một số khác thì phải sau khi trẻ ra đời mới tiếp tục cốt hóa. Xương bánh chè là một trong những phần xương “cứng đầu” nhất  và nằm trong danh sách các xương được cốt hóa sau cùng.

Tuy vậy, điểm lợi của việc có nhiều phần sụn chưa cốt hóa thành xương là trẻ có độ dẻo tốt hơn hẳn người trưởng thành. Ngay lúc mẹ lâm bồn, phần xương sọ chưa hình thành hết của trẻ giúp cho trẻ có thể dễ dàng ra khỏi bụng mẹ. Cơ thể trẻ cũng có khả năng chữa lành vết thương nhanh hơn 2-3 lần so với người trưởng thành. Do không có xương bánh chè, trẻ sẽ ít cảm thấy đau khi va đập đầu gối xuống sàn do phần sụn mềm đã giảm bớt lực va đập đi rất nhiều. Giả sử nếu có xương bánh chè cứng trong thời điểm tập đi, chắc chắn trẻ sẽ bị đau khá nhiều khi cứ đi vài bước lại ngã xuống sàn nhà.

Để giải thích cho việc tại sao chúng ta chỉ có xương bánh chè ở đầu gối mà không có xương bánh chè ở khuỷu tay, các nhà khoa học cho biết xương bánh chè là một xương vừng, nghĩa là không giống phần lớn các xương khác trong cơ thể, nó phát triển bên trong các dây chằng gắn các cơ với những khớp nhất định. Các xương vừng hình thành ở tại nơi mà một dây chằng qua một khớp. Mục đích của chúng là để bảo vệ dây chằng đó và tăng cường tác động cơ học của dây chằng.

Đầu gối của con người nằm ở vị trí chịu sức ép lớn do đi lại ở tư thế thẳng đứng. Xương bánh chè giúp cân bằng khả năng và sự di chuyển của đầu gối khớp với tư thế chính xác. Khuỷu tay không phải chịu những sức ép như vậy do phần lớn chúng ta không đi bằng tay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét