Thứ Năm, 24 tháng 3, 2011

Trẻ con nên có tài khoản riêng?

Nếu chúng ta hướng dẫn và dạy con cái quản lý tài chính từ nhỏ, chúng ta sẽ có một thế hệ tương lai biết quản lý đồng tiền và thật sự có tự do tài chính. Và biết đâu người lớn chúng ta, ai đó cũng vẫn chưa biết quản lý tài chính của chính mình.
Một trong những người có tâm huyết, đầu tư nghiêm túc cho con cái trong việc quản lý tài chính là vợ chồng anh Trần Văn Chín, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VMC Group tại thành phố Hồ Chí Minh. Các cháu Nhân và Nghĩa được bố mẹ đóng cho mỗi cháu 6 chiếc hộp gỗ xinh xinh để mỗi khi có thu nhập, các cháu bỏ vào các tài khoản riêng của "ngân hàng" của mình. Vấn đề mấu chốt ở đây là tiền các cháu có được đều chia ra làm 6 khoản: 10% cho tự do tài chính, 10% cho học tập, 10% cho dự phòng, 10% cho hưởng thụ, 50% cho nhu cầu thiết yếu và 10% cho từ thiện.

Hiện nay tôi biết có hàng chục gia đình đã dạy con quản lý và kiểm soát tài chính từ nhỏ. Gia đình anh chị Sỹ và Tuyết Anh thì quyết định sắm cho con 6 con lợn. Phía ngoài mỗi con lợn đáng yêu cháu cũng tự ghi tên các tài khoản và mỗi khi có thu nhập, Sỹ Tuấn tự làm bài toán phân chia tài chính và bỏ tiền vào bụng từng cú lợn. Chị Tuyết Anh cho biết, vui nhất là lúc cùng ngồi lại chia ra từng khoản. Đây cũng là dịp để cùng cháu học các phép tính nhân chia, cộng trừ. Mỗi lần cho tiền vào từng tài khoản là cả nhà cùng nhau hô to và vang tên của tài khoản. Chị tâm sự cháu rất thích 2 khoản tiền vào tài khoản học tập và từ thiện.

Gia đình anh Tuấn chị Nga ở Thanh Hóa thì ra chợ mua ngay 6 cái lọ nhựa và cũng áp dụng như trường hợp của các gia đình đi trước. Anh Tuấn cho biết, cháu Minh nhà anh rất tự giác và có ý thức tiết kiệm. Mỗi lần chi tiêu tiền từ tài khoản nào Minh cũng cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng.

Gia đình anh Long chị Hòa từ TP HCM lại kể rằng rôm rả nhất là trong và sau dịp tết nguyên đán. Khi được mừng tuổi, 2 cháu rất vui vẻ tính toán chia tiền vào các tài khoản của mình. Các cháu cũng theo dõi quá trình tăng trưởng của "ngân hàng". Anh chị mừng nhất là tài khoản "dự phòng" luôn rất tốt và khoản đầu tư cho tự do tài chính luôn được các cháu chăm sóc cẩn thận. Khi tôi hỏi Hải rằng sau khi có nhiều tiền trong tài khoản này cháu sẽ dùng để làm gì, cháu nói sẽ mua căn hộ cho thuê. Tôi hỏi sao cháu không chuyển về ở nhà do cháu mua, cậu ta bảo muốn ở cùng với bố mẹ. Như vậy vừa vui hơn, vừa tiết kiệm hơn mà hàng tháng đều thu được tiền từ việc cho thuê nhà. Hóa ra cháu đã biết tạo ra thu nhập thụ động hay nói đúng hơn là nghĩ đến cách để có thu nhập thụ động ngay từ khi mới biết đọc biết viết.

Vấn đề quan trọng của việc hướng dẫn con nhỏ quản lý tài chính là để các cháu có khái niệm về đồng tiền, biết sử dụng đồng tiền. Cái gì cũng phải bắt đầu từ nhữung hành động nhỏ. Dần dần tạo ra thói quen. Mà nếu thói quen tốt sẽ tạo ra tính cách và cuối cùng là số phận của các cháu. Ý thức rất quan trọng. Từ ý thức đúng mới có lời nói và hành động đúng được. Theo kinh nghiệm của tôi và nhiều chuyên gia khác, chúng ta cần tạo cho các cháu cách tư duy về đồng tiền, cách tự quản lý đồng tiền, thái độ đối với đồng tiền. Như vậy khi lớn lên rất vững tin và chủ động trong tài chính.

Các bậc phụ huynh nên lưu ý để các cháu biết từng tài khoản dùng cho việc gì. Nếu thấy các cháu có kế hoạch dùng không đúng mục đích cần phải phân tích và hướng dẫn các cháu. Cuối cùng các cháu sẽ hiểu và áp dụng thành thạo trong cuộc sống hàng ngày


Con anh Trần Văn Chín với 6 hộp tài chính. Ảnh nhân vật cung cấp
Nhiều người thắc mắc rằng việc hướng dẫn các cháu sử dụng và quản lý tiền từ nhỏ có sớm quá không. Tôi cho rằng không. Và điều này rất tốt. Cũng lưu ý rằng việc chúng tôi tư vấn để chia các khoản thu nhập ra thành 6 phần theo tỷ lệ như trên chỉ là tương đối. Các gia đình có thể chủ động thay đổi tỷ lệ cũng như cách chúng ta tùy để chọn 6 tài khoản cho "ngân hàng" của con, không nhất thiết phải đặt đóng nhưng cái hộp đẹp.

Vậy thu nhập từ đâu ra và làm sao có cháu có thể có thu nhập từ nhỏ. Đó là các khoản thưởng và phạt mà các cháu nhận và phải nộp ra. Chúng ta cũng có thể tham khảo công thức mà chị Thủy đã nghiên cứu và đang áp dụng.

Tôi lưu ý đến tài khoản từ thiện. Nếu dạy các cháu biết trích 10% tiền mình có ra làm từ thiện con cái chúng ta sẽ có tâm tốt, có tấm lòng cao thượng. Và chính các cháu đã áp dụng quy luật cho và nhận từ nhỏ. Điều này thật tuyệt vời để các cháu lớn lên thành đạt và hạnh phúc. Viết đến đây tôi nhớ đến thông tin mà chị Phương bạn tôi từ bên Đức mới báo về rằng con gái chị đã quyết định lấy toàn bộ 50 euro trong tài khoản từ thiện để gửi sang Nhật góp phần giúp đỡ những người bạn đang gặp hoạn nạn. Đó là sự động viên với những người cần giúp đỡ. Họ cần từ chúng ta và ngay cả từ các cháu nhỏ không chỉ vật chất mà tinh thần.

Nếu chúng ta, không chỉ có các doanh nhân, hướng dẫn và dạy con cái quản lý tài chính từ nhỏ, chúng ta sẽ có một thế hệ tương lai biết quản lý đồng tiền và thật sự có tự do tài chính. Và biết đâu người lớn chúng ta, ai đó cũng vẫn chưa hiểu hay chưa biết quản lý tài chính của chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét