Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Thời buổi “ăn liền” và bụng dạ chúng ta

Học giả cho rằng fast food không đồng hành cùng sức khoẻ và sắc đẹp. Sử dụng đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có cồn, ga ... quá độ, theo các nghiên cứu, còn làm “xấu bụng”, theo nghĩa đen của khái niệm này. 
Fast food và phì nộn luôn đồng hành. Những khẩu phần ăn thiếu dinh dưỡng sẽ làm mô cơ hoạt động kém, cơ bắp trên toàn cơ thể phát triển yếu đi. Kết quả là tỉ lệ glucoza trong máu bị mất cân bằng, làm yếu hệ miễn dịch, dẫn tới ruột kết vận hành kém, kết cục là quy trình trao đổi chất bị ngưng trệ, tích luỹ mỡ trong máu tăng lên. Tình hình còn xấu đi nữa nếu đối tượng dùng fast food có lối sống thụ động, quẩn quanh trong không gian kín của điều hoà nhiệt độ, TV, ePhone, máy tính cộng Internet.

Bởi vì fast food có tính gây nghiện, nó sai khiến người ta mua nó mãi. Kết quả là mỡ bụng tích tụ ngày càng nhiều, khiến vòng bụng nở bung ra, cân ngày một tăng lên, bệnh phát phì lộ diện.

Có hai “lớp” mỡ bụng. Một nằm ngay dưới da bụng (subcutaneous fat), lớp thứ hai nằm xung quanh phủ tạng (visceral fat).

Cả hai dạng mỡ bụng này đều tiết ra các chất gây sưng viêm (inflammation-causing) có hại cho cơ thể. Cách kiểm nghiệm, theo các chuyên gia Nga, cũng như tác giả Jack Challem trong cuốn sách về phòng ngừa tiểu đường, là đứng không mặc quần áo trước gương, không rướn bụng về phía trước. Nếu bụng “anh” lòi ra khỏi phần ngực, thì đã có biểu hiện béo bụng rồi. Nếu bạn là phụ nữ, thì phần phẳng của lồng ngực là “cốt không” cho việc đo đạc này.

Ở những người bị béo phì kinh niên có thể quan sát được những hạt mỡ “di chuyển” trên phần bụng, gợi nhớ những con cá cảnh đang lừ đừ bơi trong bể cá. Nếu trong họ hàng có người “bụng to như cái thùng nấu phở”, chuyện này có thể lặp lại với số phận của bạn.

Các cụ còn đưa ra khái niệm “bụng chó”, một người gày nhưng lại có bụng, và tệ hơn, cũng thường thấy hơn, là phần bụng mất cân đối này lại như dịch lên phía ngực. Trường hợp này, vẫn theo các cụ của ta, người ấy có một “bouquet” (bó), tức là có một đống bệnh, cái nọ lôi cái kia tiến triển... Nhìn chung tất cả những gì “lòi” ra khỏi thân thể (mất cân đối) mà cha mẹ “chúng bay” (lời các cụ) ban cho đều là tín hiệu bệnh lý.

Tác giả Jack Challem đề xuất việc đo vòng bụng để phòng ngừa. Người Nga thậm chí đưa ra các giới hạn nguy hiểm cho đàn ông (vòng bụng không quá 94 cm), phụ nữ (“eo” không quá 88 cm) ... Một người châu Á có những chỉ tiêu nhỏ hơn con số trên nhiều nhưng với bụng “ỏng” trên thân gày nhỏ, chắc vẫn là “vật mang” bệnh hiểm nghèo.

Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho rằng chứng phát phì là kẻ thù số 1 của sức khoẻ cộng đồng Hoa Kỳ. Bệnh béo phì là nguyên nhân gây những bệnh chết người, gây nên cái chết của khoảng 400 ngàn người Mỹ mỗi năm. Có khoảng 60 triệu người Mỹ trưởng thành mắc bệnh phát phì, 127 triệu người khác mắc bệnh thừa cân (dân số Hoa Kỳ khoảng 309 triệu người).

Lượng calo “thừa” tiềm tàng trong fast food còn làm hệ tiêu hoá “mệt mỏi”, tạo ra cảm giác “no” giả tạo, khiến cơ thể không bộc lộ được nhu cầu thực về các chất dinh dưỡng thiết yếu.

E. Coli: sát thủ hàng loạt

Trong sách Một dân tộc fast food: mặt trái của món ăn hoàn toàn của Mỹ, tác giả E. Schiosser cho rằng quá trình sản xuất fast food thường có biểu hiện mất vệ sinh và thiếu chấp hành chuẩn mực về an toàn thực phẩm.

Các thức ăn fast food, như hamburger, nếu xử lý không hết dị chất như phân bón, hoặc chưa chín kỹ, chúng có thể chứa các khuẩn dạng salmonella và Escherichia coli  0157:H7 (E.coli 01517:H7).

Nhiễm E.coli 01517:H7 là một trong dạng nhiễm độc thức ăn tồi tệ nhất, khó điều trị nhất. Nếu dùng kháng sinh diệt khuẩn này, chúng để lại các chất độc gây các biến chứng, đau đớn. Khoảng 4% người bệnh từng nhiễm E.coli 01517:H7 bị Hội chứng ure huyết tan máu (hemolytic uremic syndrome/HUS). Khoảng 5% trong số trẻ em mắc Hội chứng ure huyết tan máu tử vong. E.coli 01517:H7 dẫn đầu trong các khuẩn gây bại thận trong trẻ em Mỹ.

Cuộc chiến giữa các vi khuẩn

Người Nga thường ăn tuần tự theo từng món. Đầu tiên là món súp, sau đến món thứ hai thường là các món rán có thịt, khoai tây. Những người ở thành thị có thể ăn món khai vị như salad, rồi ăn món thứ hai. Bữa tối thường không có súp. Nhưng hơn 70 phần trăm dân số Nga vẫn bị mắc bệnh disbacteriosis (loạn khuẩn) đường ruột.

Người Việt, như một số dân tộc châu Á khác, thường ăn cùng một lúc nhiều món, và thường ít tuân theo một thứ tự nào. Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ bị loạn khuẩn trong người Việt có thể cao hơn người Nga, cho dù một cách khoáng đại, có thể hy vọng rằng người Việt dùng đồ uống có cồn ít hơn người Nga chăng, nên tỷ lệ loạn khuẩn ruột sẽ không vượt quá ¾ dân số?

Vấn đề là khi dùng bữa nhiều món cùng lúc, các loại men tiêu hoá của dạ dày và tuyến tuỵ không thể đảm đương được việc xử lý các thức ăn quá khác về chủng loại cùng một lúc. Chúng đành đẩy trách nhiệm gia công khối thức ăn “nửa sống, nửa chín” này xuống cho các khuẩn có ích trong ruột. Các khuẩn này sẽ đi từ chỗ cố phản ứng tích cực với các loại thức ăn, với mùi vị khác nhau này, để giúp cho ruột hoàn thành khâu tiêu hoá, đến chỗ quá “mệt mỏi”, nếu khối lượng thức ăn quá lớn. Một số khuẩn có ích sẽ “anh dũng hy sinh”, để “mất trận địa” cho những vi sinh có hại, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh ...

Thay lòng đổi dạ?

Biến đổi môi trường sống do hoạt động của con người, tổ chức bữa ăn không khoa học, chế độ ăn thiếu hợp lý, tuỳ tiện, thường xuyên chịu tải tâm lý, ít vận động, lao động chân tay như một đặc tính thời đại công nghệ thông tin... đang làm sâu sắc thêm những tác động xấu lên cơ thể mỗi chúng ta.

“Lòng dạ” người ta đặc biệt chịu ảnh hưởng của những nhân tố trên. Ruột non - ruột già là dây chuyền chính để gia công các chất dinh dưỡng - là nguồn chính cấp năng lượng cho thân thể, cũng là những “viên gạch” kiến thiết nên tế bào của cơ thể con người.

Nhìn tổng thể, những phần cơ thể con người có tiếp xúc trực tiếp với các chất đến từ bên ngoài như hệ hô hấp, tuyến tiêu hoá, các phần nhô ra ngoài của cơ quan sinh dục, da ... đều chứa các vi sinh vật có ích. Chúng giúp cơ thể ta tăng cường khả năng chống các vi khuẩn có hại.

Trong đường ruột, ngoài chức năng trên, các vi khuẩn có ích còn giúp tiêu hoá thức ăn, tạo ra các chất tham gia vào quá trình trao đổi chất của toàn cơ thể, đồng thời bảo vệ cơ thể chống nhiễm độc (do thức ăn...).

Hệ vi sinh đường ruột đang hoạt động bình thường sẽ bị tiêu hao khi vi sinh có chứa mầm bệnh sản sinh quá nhiều. Khi khối lượng các vi sinh “bom nổ chậm” này đạt tới cao điểm, sẽ xuất hiện các rối loạn tiêu hoá được gọi là loạn khuẩn (disbacteriosis - rối loạn cân bằng vi khuẩn).

Các nguyên nhân loạn khuẩn có thể là mất cân bằng chế độ ăn, sử dụng rượu, bia quá mức, các thương tổn nội tạng, đặc biệt là tuyến tiêu hoá, sử dụng các thứ thuốc kháng khuẩn gây tác dụng phụ là làm phương hại đến hệ vi sinh của ruột, các rối loạn nội tiết khác.

Trong quá trình này, hệ vi sinh đường ruột bị thay thế bởi các vi khuẩn “xấu” như Staphylococcus, proteus, trực khuẩn mủ xanh (bacillus pyocyaneus), trực khuẩn kết tràng và các nấm có hại. Chúng sẽ gây các quá trình viêm nhiễm cục bộ trên thành ruột, phá huỷ các chức năng cơ bản của ruột.

"Kim tự tháp" thực phẩm tạo cân bằng dinh dưỡng
“Hạ hoả”

Các liệu pháp trị loạn khuẩn ruột phải nhằm loại trừ nguyên nhân chủ yếu gây bệnh, đồng thời có phương án ăn kiêng có vị trí quan trọng, nhằm khôi phục hệ vi sinh đường ruột. Quá trình này phải được trợ giúp bằng việc sử dụng đúng cách các chế phẩm chuyên dụng được quốc tế công nhận, bổ sung các vitamin, khoáng chất, và các loại men có tác dụng kích hoạt quá trình tiêu hoá thức ăn.

Các thức ăn của người mắc chứng loạn khuẩn đường ruột không nên chứa các thực phẩm gây dễ lên men như các hydrad cacbon dễ hấp thụ và các loại rau không nấu; gây hư hoại, (putrefactive - hoại thối) trong ruột do ăn quá nhiều thịt, xúc xích ...; gây kích thích màng nhờn của ruột, do chứa những chất cay, các gia vị, các thức ăn chua, các loại rau giầu tinh dầu (cải cay, hành, tỏi ..., các loại quả chua); làm dịch ruột tiết ra quá độ, như các loại canh, nước dùng đậm ninh kỹ từ xương, thịt, cá...

Khi lập chế độ ăn cho người bị loạn khuẩn chú ý rằng nhu động ruột trong trường hợp này hoạt động khác biệt. Các thực phẩm kích hoạt nhu động ruột (nhuận tràng) gồm có mỡ, rau quả có cấu trúc xelluloza thô (chất xơ). Các thực phẩm làm chậm nhu động gồm trà, cà phê, cacao. Các thực phẩm trung tính với nhu động ruột gồm thịt nấu kỹ, cá, các món nghiền, nhờn ...

Học giả quốc tế đã lập ra kim tự tháp ăn uống đúng cách. Tần số sử dụng tăng từ ngọn xuống đáy. Trên cùng là mỡ, dầu ăn, của ngọt, cần được dùng ít, đúng mực. Dưới cùng là ngũ cốc như bánh mì, gạo, các sản phẩm từ mì như mì sợi các loại, cần được ăn nhiều hơn.

Các chuyên gia Viện Dinh dưỡng của Viện hàn lâm khoa học Nga, đưa ra một cảnh báo cho những ai hay dùng mì ăn liền, là thường xuyên sử dụng các sản phẩm này sẽ hại đến gan, tuyến tụy và gây chứng viêm dạ dày.

Thêm bạn bớt thù

Để khôi phục hệ vi sinh của ruột, hiện các nhà khoa học đã tạo được các chế phẩm chứa các vi sinh là “cư dân” tự nhiên của môi trường ruột và các chất hoạt hoá sự sinh trưởng của chúng. Các chế phẩm này có 3 dạng: pribiotic (có chứa các khuẩn bifido, khuẩn lacto, khuẩn hình que sống trong ruột), prebiotic (hoạt hoá sự sinh trưởng hệ vi sinh trong ruột), simbotic, có cả hai đặc tính trên. Các chế phẩm trên vừa có tính năng làm sạch các bộ phận nhất định của cơ thể, vừa có khả năng điều trị.

Những đồ ăn vặt chất lượng cao (healthy snacks)
thường không rẻ.
Hiện tại, các tiện ích của công nghệ thông tin cũng như các kênh phổ biến khoa học thường thức khác cho phép mỗi chúng ta tìm hiểu khá thấu đáo tính năng, tác dụng các chế phẩm của y học hiện đại. Nhiều trong chúng có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên, nhưng có khả năng can thiệp khá mạnh vào cải thiện sức khoẻ, kể cả chữa trị loạn khuẩn đường ruột.

Đồng thời, việc cho phép quảng cáo các chế phẩm thuốc và chất phụ gia có đặc tính sinh học tích cực cũng có thể tạo điều kiện để một số “nhà” tiếp thị quảng bá sản phẩm “thực phẩm chức năng” của mình như một thứ “thuốc tiên”, cho dù chúng không có được tính năng điều trị.

Các thức ăn fast food, quà vặt (snack), thực phẩm chế biến sẵn ... đã trở nên thông dụng trong một nếp sống gấp gáp. Nếu chúng có chất lượng thấp hoặc bảo quản kém, sẽ có thể gây nhiễm độc do vi khuẩn, hay ngộ độc thực phẩm, làm yếu chức năng của hệ tiêu hoá, là đường dẫn cho các bệnh như loạn khuẩn đường ruột và nhiều bệnh đường tiêu hoá khác.

Loạn khuẩn đường ruột – căn bệnh kinh niên nhưng có thể, và cần được chữa trị (kể cả bằng kiến thức khoa học thường thức) vì nó tăng cường sự rối loạn quá trình trao đổi chất có ý nghĩa sống còn đối với toàn cơ thể.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét