Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2011

Nói lắp - bệnh tật hay dấu hiệu của trí năng?

Tật nói lắp thường xuất hiện
ở độ tuổi từ 2 đến 5
Trên thế giới có gần 60 triệu người nói lắp (trong đó nam giới gấp 4 lần nữ giới) và đã có cả “Hội người nói lắp” được thành lập. Hầu hết họ, trừ trường hợp quá nặng, đều có thể nói trơn tru trong môi trường quen thuộc, giữa người thân và bạn bè. Chiếc barie ngôn ngữ thậm chí còn biến mất khi người ta hát hay nói thì thào. Nhưng mỗi khi đứng trước đám đông hay lúc vội vã thì họ lại bắt đầu lắp bắp...
Nỗi khổ của người nói lắp  

Nói lắp thì đã chết ai, không ít người nghĩ vậy. Không chết, nhưng sống chung với nó thì chẳng sung sướng gì. Nói lắp cản trở bạn thể hiện mình, thường xuyên đặt bạn vào tình cảnh khó chịu, khi mà một chuyện vặt vãnh cũng trở thành vấn đề không dứt điểm được. “Mấy giờ rồi?”, “Giá bao nhiêu?”, “Đi lối nào?” - những câu hỏi đơn giản nhất cũng có thể cam go với bạn bởi vì có những từ mà cứ đụng đến là bạn như thể sa xuống đầm lầy vậy.

Vladimir V. - một trong những nhà nhiếp ảnh giỏi nhất Nga, hiện là giảng viên Đại học Tổng hợp Lomonosov kể: “Hồi đi học, tật nói lắp rất bất lợi cho tôi. Tôi giỏi lịch sử và địa lý nhưng các thầy cô giáo đều không muốn gọi tôi lên bảng. Các kỳ thi vấn đáp ở đại học với tôi trở thành ác mộng. Tôi phải thi đi thi lại không biết bao nhiêu lần. Thi viết cũng không dễ dàng vì mỗi chỗ ngắc ngứ khi nói sẽ tự nhiên biến thành dấu phẩy trong bài viết. Tôi đã thử một số liệu pháp như luyện thở, thôi miên... nhưng không ăn thua. Mỗi khi có chuyện căng thẳng là các cơ mặt tôi lại tê liệt và môi như bị niêm phong. Với tôi việc nói chuyện với người lạ qua điện thoại thật khó khăn mà công việc của tôi lại thường phải gọi cho các nhân vật quan trọng”.

Người nói lắp thường thiếu tự tin, họ không dám tham gia các cuộc hội đàm mặc dù khả năng trí tuệ nhiều khi trội hơn hẳn. Khuyết tật lời nói trở thành nguyên nhân khiến họ không bộc lộ được khả năng. Có những tình huống đáng lẽ phải đứng lên nói thì họ đành ngồi yên. Trong cuộc sống riêng họ cũng bị thiệt thòi. Người họ yêu có khi bỏ đi chỉ vì họ ăn nói không trơn tru, vì mỗi từ họ phát ra có lúc khó khăn đến mức gương mặt họ bị biến dạng thảm hại.

Những người nói lắp luôn mơ ước về một thế giới trong đó mọi người hiểu và tiếp nhận họ như vốn có, một thế giới mà họ không phải giấu diếm khuyết tật của mình và không bị coi như một kẻ ngốc hay có vấn đề về thần kinh.

Vì sao người ta nói lắp?

Tật nói lắp thường xuất hiện ở độ tuổi từ 2 đến 5 - thời điểm hình thành và phát triển lời nói. Đa số trẻ em bắt đầu nói lắp sau khi trải qua nỗi sợ hãi nào đó hoặc bị sốc về tinh thần (người thân qua đời, mẹ sinh em bé, bố mẹ ly hôn, bản thân bị tai nạn...). Sắc độ sợ hãi ở con trẻ rất đa dạng. Trẻ thì khiếp đảm vì cái đớp của con ngỗng hay tiếng gầm của con hổ trong vườn thú, trẻ thì hãi hùng trước chú hề ở rạp xiếc hay con vịt Donald khổng lồ trong công viên.

Vladimir V. kể rằng anh bắt đầu nói lắp lúc 6 tuổi, sau một chuyến đi cắm trại gặp phải cơn giông lớn với những tiếng sét đinh tai. Theo lời anh thì lần đó có đến 4 người bạn của anh cũng bắt đầu nói lắp. Một người bạn khác của Vladimir V. thì lại nói lắp sau khi bị rơi xuống một chiếc hầm tối. Đôi khi trẻ nói lắp vì bắt chước bạn. Nghĩa là tật cà lăm có thể “lây nhiễm”. Tuy nhiên trường hợp này thường tự khỏi mà không để lại dấu vết gì.

Ở người lớn hiện tượng nói lắp có thể xuất hiện như một phản ứng trước các chấn động thần kinh. Trường hợp này đã gặp ở những nạn nhân các vụ thiên tai, khủng bố, các cựu chiến binh.

Tật nói lắp ở nhiều người đã thành bệnh. Họ mất khả năng giao tiếp bình thường do chứng co giật quá nặng ở bộ máy phát âm, do bị ám ảnh bởi nỗi sợ phải nói. Đôi khi họ cảm thấy bồn chồn cả một thời gian dài trước khi xuất hiện tình huống phải nói. Họ có thể đồng thời cảm thấy ngạt thở, buồn nôn, tim đập mạnh.

Nhiều thế hệ các nhà khoa học đã thử giải thích nguyên nhân nói lắp. Nhưng nhìn chung hiểu biết của con người về bộ não chưa đủ để có thể tìm ra bí mật của sự rối loạn trong lời nói. Đôi khi ở đây còn xuất hiện yếu tố di truyền vì có những gia đình nhiều thế hệ nói lắp và không ít cặp song sinh cả hai đều nói lắp. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cả stress lẫn di truyền đều chỉ là điểm khởi động, chứ không phải nguyên nhân gây nói lắp.

Ai mà ngờ ngôi sao Marilyn Monroe
mắc tật nói lắp!
Có hàng trăm cơ mặt tham gia vào hoạt động tạo ra lời nói. Một số thì hình thành âm, một số giúp các dây thanh dao động, số khác giữ nhịp thở... Tất cả cần hoạt động nhịp nhàng như một dàn hợp xướng, nhưng ở người nói lắp thì có lẽ một bộ phận nào đó bị trục trặc. Cũng có giả thiết rằng thần kinh não điều khiển chức năng lời nói ở người nói lắp bị tổn thương.

Các liệu pháp 

Từ lâu người ta đã áp dụng biện pháp phẫu thuật để chữa nói lắp. Năm 1841, nhà phẫu thuật Diffenbax ở Berlin đã tiến hành hàng loạt phẫu thuật ở lưỡi và giúp 19 bệnh nhân khỏi nói lắp. Tuy nhiên Diffenbax hết sức thận trọng với phương pháp của mình và luôn cảnh báo về nguy cơ lớn nhất -  bệnh nhân sẽ mất tiếng do hoại thư hoặc một sơ suất nào đó khi phẫu thuật. Các đồng nghiệp của Diffenbax không tiếp thu lời cảnh báo này đã gây ra một loại ca tử vong. Sau đó phương pháp này không được tín nhiệm nữa.

Ngày nay có đến 200 liệu pháp chữa nói lắp, từ luyện nói, thôi miên, châm cứu, các bài tập thở cho đến các loại thuốc Đông Tây y và cả các câu thần chú. Trong cuộc cạnh tranh với các phương pháp trên xuất hiện cả các chương trình máy tính đánh vào tiềm thức của người sợ nói sai. Theo đó, mỗi khi bệnh nhân nói lắp, họ sẽ bị phạt bằng một cú đánh đau điếng của dòng điện.

Chuyên gia nổi tiếng chữa nói lắp Andronovoi Arutunian không tin vào những quảng cáo hứa hẹn sẽ chữa khỏi tật nói lắp trong dăm bữa nửa tháng. Theo ông, sau khi tốn vài trăm đô la bệnh nhân có nói trôi trảy thật nhưng kết quả này không thể bền lâu. Bản thân tật nói lắp chỉ có thể chữa được trong điều kiện giao tiếp tự nhiên và đòi hỏi có phải thời gian cũng như sự kiên trì. Với quan điểm đó, một khóa học do ông tổ chức phải kéo dài cả năm. Nhưng phương pháp của ông lại rất đơn giản - chỉ là sự đồng bộ của lời nói với chuyển động của ngón tay điều khiển cho phép lời nói thoát ra. Và thật kỳ diệu, ngón tay nhịp nhàng như chiếc đũa thần ấy đã giúp bệnh nhân của ông dần dần khắc phục được sự ngập ngừng, giữ tiết tấu và thậm chí thiết lập nên ngữ điệu đã bị phá vỡ.

Bệnh nói lắp như một cái cây mà những chiếc rễ là những ngắc ngứ đầu tiên, thân cây - nỗi sợ phải nói, các cành cây - những cử động không cần thiết kèm với loạt âm thanh giật cục. Để chữa tật nói lắp vĩnh viễn cần phải chặt bỏ tất cả những chiếc rễ cũng như cành cây nhỏ nhất, tức là phải giải quyết vấn đề một cách tổng thể.

Văn hào Dickens cũng ưa nói cà lăm
Trong những giờ thực hành đầu tiên với sự giúp đỡ của “chiếc đũa thần” học viên nói một cách chậm rãi, với những khoảng dừng. Sau đó là những bài luyện tập kỹ năng phát âm trong điều kiện thực tế (tham gia một cuộc họp, giao dịch ở một cửa hàng, tiếp xúc tại nơi công cộng...). Cuối cùng lời nói với họ không còn là hình phạt mà là phần thưởng, nó trở nên tự nhiên như việc hít thở khí trời.

Nói lắp - biểu hiện của trí năng?

Nói lắp nhẹ đôi khi lại có vẻ dễ thương và thậm chí đem lại cho người ta một nét duyên riêng. Nét duyên ấy đã được sử dụng không ít trong văn học, điện ảnh để tô đậm tính cách hiền lành, vẻ trí thức hay lãng mạn của nhân vật. Có người còn cho rằng nói lắp - đó là dấu hiệu của trí năng. Bằng  cớ là nó rất phổ biến ở những nước phát triển, còn ở châu Phi chẳng hạn thì lại rất ít người nói lắp. Trong số những người nổi tiếng cũng không ít người nói lắp. Tật nói lắp không cản trở Demosfen trở thành một diễn giả lỗi lạc, Moliere - nhà soạn kịch trứ danh, Dickens - nhà văn Anh ưu tú, Napoleon – tướng lĩnh huyền thoại, Bismarck - thủ tướng kiên định, Marilyn Monroe – ngôi sao Hollywood...

Nhà thơ Robert Rozestvensky bị nói lắp rất nặng, nhưng ông đã thu hút được hàng ngàn thính giả và đối với họ thì lối đọc thơ cà lăm đặc biệt của ông còn hấp dẫn hơn cách ngâm thơ đầy tự tin của các thi sĩ nổi tiếng như Voznesensky hay Evtusenco.

Phan Minh Ngọc (Theo Tuyệt Mật).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét