Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Làm gì với con trẻ sau 5 giờ chiều?

Những tưởng trả lời câu hỏi này dễ ợt, thì đón con về, cho con ăn, tắm rửa, nghỉ ngơi, học bài (nếu có) và ngủ. Thế nhưng, ông bà có nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, thật sự thời gian buổi tối với gia đình của các em chẳng em nào giống em nào.
Ăn đúng giờ, nói chuyện đúng lúc

Bắt đầu từ chuyện ăn đúng giờ. Chị Dung, ở Q.9, than phiền với bạn bè là từ khi vào lớp 1, con gái chị gầy sút hẳn, biếng ăn, tới bữa ăn điệu bộ rất uể oải. Bé Bông Lan con chị lúc mẫu giáo tròn 25kg, sau khi học hết học kỳ 1 thì xuống còn 22kg. Hỏi kỹ mới hay, tan học, chị chở thẳng bé đến lớp học rèn chữ. Sau 7h, cháu mới được ăn cơm, có khi đợi bố về ăn chung đến 8, 9h tối. Từ lúc về nhà, cháu khát nước nên lấy nước ngọt, trà xanh có sẵn trong tủ lạnh ra uống, thành ra tới bữa ăn thì đã no ngang, ăn ít và không thấy ngon miệng nữa.

Theo thạc sĩ Vũ Thu Hương, khi đón con về, bố mẹ nên cho con ăn ngay một bữa nhẹ (một ly sinh tố, bánh flan, một nửa quả cam hay một quả táo…), cho trẻ hồi sức, tươi tỉnh trong thời gian tiếp theo của buổi tối. Bố mẹ không nên cho trẻ ăn bữa chính ngay thời gian này, vì với nhiều trường bán trú, bé đã được ăn bữa lót dạ lúc 3h chiều, nếu ăn bữa chính quá sớm, bé sẽ ăn ít và không cảm thấy ngon. Bữa ăn quá muộn buổi tối không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Ban ngày, trẻ tham gia vào một môi trường không có cha mẹ, chỉ có mối quan hệ với thầy cô và bạn bè. Theo thạc sĩ Phạm Thị Thúy, nhiều trường hợp trẻ gây ra bạo lực học đường có nguyên nhân từ sự cô độc khi về nhà, không biết chia sẻ với ai. Tăng cường trao đổi với con chính là phương pháp hữu hiệu nhất để “quản lý” con mình, tránh cho con những sa ngã, cạm bẫy khi xa cha mẹ.

Cũng nhờ thói quen nói chuyện với con hàng ngày, chị Thanh Loan, có con gái học lớp 10 ở quận Tân Phú, phát hiện cô bạn thân của con gái mình có thai ngoài ý muốn với cậu bạn học cùng lớp, định lén cha mẹ đi “giải quyết”, nhờ con gái chị đưa đi giùm. Chị Loan liền nhờ con gái sắp xếp để chị nói chuyện với bạn của con, sau đó cùng cháu về nhà nói chuyện với bố mẹ cô bé. Sau “sự cố” đó, tình bạn của hai cô bé khắng khít hơn, hai gia đình trở thành bạn thân, và con gái chị Loan xem mẹ như là “thần tượng” của mình.

Cùng con làm việc nhà cũng là một cách tâm sự. Gia đình có người giúp việc và những bà mẹ đảm đang thường làm hết việc của trẻ. Lâu dần sẽ biến trẻ thành “những con gà công nghiệp” tương lai. Cha mẹ có thể cùng trẻ nấu ăn, nhờ trẻ lặt rau, vo gạo, rửa chén, để trẻ hiểu được giá trị của một bữa ăn gia đình, từ đó trẻ ăn ngon hơn, nhất là những món do chính tay trẻ nấu hoặc cùng tham gia nấu. Tập được thói quen này, việc nhà sẽ trở thành những giờ phút thư giãn cho cả gia đình, gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con.

Tạo không gian riêng cho con

Mệt mỏi với việc bé Nhi Phụng, cô con gái học lớp 4 cứ suốt ngày “rên rỉ”: Mẹ ơi bút của con mới ở đây đâu mất tiêu rồi? Mẹ ơi áo thun trắng thêu hoa của con đâu?..., hễ đụng tới gì là bé la toáng lên bắt cả nhà đi tìm, chị Quỳnh bàn với chồng ngăn phòng khách ra thành một căn phòng nhỏ, tuy chỉ có 8 mét vuông nhưng làm cho cô bé Nhi Phụng rất hài lòng. Tự tay cô bé sắp xếp sách vở, quần áo và đồ chơi của mình, thậm chí còn hăng hái tự giặt, phơi quần áo. “Vợ chồng tôi rất mừng, thì ra cháu chỉ thích có không gian riêng để được tự mình “trang trí” phòng, vậy mà mất rất lâu tôi mới hiểu ý con”, chị Quỳnh nói.

Theo nhà văn Thúy Ái, mỗi trẻ là một “người lớn” theo tư duy của mình, cha mẹ cần nhìn con ở góc độ này, và nhu cầu có không gian riêng là cần thiết. Đó cũng là cách cha mẹ rèn cho con tính tự lập về sau. Tuy nhiên, ứng xử thế nào với không gian riêng của trẻ là một nghệ thuật. Làm sao để trẻ cảm thấy được tôn trọng, thoải mái với chốn riêng của mình mà cha mẹ vẫn kiểm soát được hành vi của trẻ, đặc biệt là với máy vi tính và ti vi. Nếu có thể, cha mẹ nên sắp xếp cho hai vật dụng này ở gần “tầm ngắm” của mình, không nên cho trẻ quá riêng tư sử dụng. Thời gian cho thói quen xem ti vi của trẻ cũng chỉ được khuyến cáo là dưới 1 tiếng đồng hồ mỗi tối, tránh cho trẻ mê ti vi quá độ.

Mải mê công việc hay áp lực kinh tế thời buổi khó khăn đã khiến nhiều bậc cha mẹ tự biện hộ cho mình lý do dễ hiểu: bận kiếm tiền nuôi con. Một người thật sự thành đạt chính là nhận thấy niềm vui trong gia đình nhỏ của mình. Học cách đón con về tổ ấm cũng là một bài học suốt đời cho chính bạn, để con của bạn hạnh phúc hơn.

Theo: SGTT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét