Thứ Hai, 7 tháng 2, 2011

Học gia phong từ gia tiên

Dân gian thường nhận định “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Từng gia đình có gia phong riêng thể hiện tính văn hoá của cả dòng họ trong sinh hoạt hàng ngày, và lúc gia phong ấy thể hiện rõ nhất chính là vào những dịp kỵ giỗ, lễ tết…
Học trò từ quê ra tỉnh, thành phố lớn học tập xa nhà khi trở về quê đều phải ứng xử theo gia phong, gia đạo đã được chứng kiến, thấm nhuần từ bé. Nhiều sinh viên vào dịp tết hay hè, mỗi khi trở về quê hương thì việc đầu tiên là phải đến “nhà thờ họ” thắp hương cho tổ tiên rồi mới được bước về nhà. Câu đầu tiên cha mẹ ở quê nhà thường hỏi khi con vừa đẩy cửa bước vào nhà là “con đã thắp hương cho tổ tiên chưa đấy?” Họ sẽ lập tức yêu cầu con quay lại nhà thờ họ làm “thủ tục” nếu đứa con ấy đã vội vã về nhà mà quên thực hiện bổn phận đối với dòng tộc.

Trong những thành phố văn minh hiện đại ngày nay, cũng còn những gia đình vẫn giữ được truyền thống gia đình trong việc thờ cúng tổ tiên. Ngày giỗ họ hàng tập trung tại gia đình người con cả hoặc con út để cùng nhau chuẩn bị lễ lộc dâng lên bàn thờ tổ tiên. Những đứa trẻ xúm xít chơi đùa thật vui vẻ trong khi người lớn rộn ràng phân công nhau cắm hoa, bày trái, nấu giỗ… “Đến giờ làm lễ rồi, các con cháu chỉnh tề đứng trước ban thờ cúng ông bà nhé!” – tiếng nói của vị trưởng tộc vang lên yêu cầu mọi thành viên nhanh chóng sửa sang trang phục và nhắc nhở bọn trẻ nghiêm chỉnh tề tựu trước ban thờ. Không khí đang náo nhiệt bỗng chùng xuống dần và trở nên im ắng, trang trọng khi mọi người từ già đến trẻ, ai nấy đều nghiêm trang kính cẩn đứng chắp tay trước bàn thờ để làm nghi lễ cúng giỗ. Chỉ vài phút im lặng cúng bái cũng đã làm cho tất cả các thành viên cảm nhận rõ rệt sự thiêng liêng trong tình cảm và bổn phận đối với gia đình, dòng họ.

Một số gia đình nhấn mạnh với cháu con rằng, giỗ không phải là lúc ăn uống nhậu nhẹt đến say xỉn để rồi gây gổ, đánh nhau đến thương tích, tạo bi kịch gia đình hoặc là lúc tranh thủ cơ hội mời mọc bạn bè để mở rộng quan hệ làm ăn, để chứng tỏ quyền lực, uy thế cá nhân... Giỗ là dịp để họ hàng sum họp, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của gia tộc, hồi tưởng, thương nhớ những người đã khuất với tất cả sự tôn kính, tiếc nuối và lấy đó làm động lực phấn đấu cho sự bình an, hạnh phúc của gia đình hiện tại.

Giỗ là dịp để họ hàng sum họp, lưu giữ truyền thống tốt đẹp của gia tộc, hồi tưởng, thương nhớ những người đã khuất với tất cả sự tôn kính, tiếc nuối và lấy đó làm động lực phấn đấu cho sự bình an, hạnh phúc của gia đình hiện tại.

Ngày tết, khi trang trí nhà cửa các gia đình thường tập trung chăm sóc bàn thờ tổ tiên chu đáo và rực rỡ nhất rồi mới đầu tư cho sự đẹp đẽ, khang trang của ngôi nhà. Mồng một tết, dù rất mỏi mệt sau khi cật lực dọn dẹp, bởi việc chuẩn bị các món ăn ngày tết và đón giao thừa, nhiều gia đình vẫn nô nức đi thăm, chúc tết ông bà và đại gia đình lại cùng nhau quây quần trước bàn thờ tổ tiên trong không khí vui tươi, ấm cúng để cùng nhau bước vào năm mới. Một số gia đình trẻ ngày nay có xu hướng du lịch chơi xuân sau một năm tất bật, nhưng họ vẫn không bỏ tập tục cúng bái tổ tiên nên thường sắp xếp chu toàn nghi lễ cúng giao thừa và đón ông bà về ăn tết rồi mới yên tâm rời nhà dạo chơi.

Việc hồi tưởng, nhắc nhở tổ tiên là một tác động giáo dục sâu sắc để con cháu hình thành bản sắc cá nhân rõ rệt trong cộng đồng xã hội. Hiệu quả giáo dục gia đình được khẳng định khi con em rời xa mái ấm gia đình để học hành lên cao hoặc lập nghiệp phương xa. Những bạn trẻ từ vùng quê nghèo lên thành phố hoặc xuất ngoại một khi đã thấm nhuần văn hoá truyền thống của gia đình thường giữ vững bản lĩnh nhân cách và không dễ sa ngã, trượt dài trước những cám dỗ của chốn phồn hoa. Quả thật, làm sao một bạn trẻ có thể dễ dàng đánh mất nhân cách khi văn hoá gia đình đã thấm đậm, giúp họ cảm nhận rằng mình không chỉ là một cá nhân tự do mà đang thuộc về một dòng tộc với những đặc trưng văn hoá đáng tự hào mà họ là một thành viên có bổn phận tiếp nối truyền thống tốt đẹp ấy? Giáo dục con không chỉ bằng lời nói suông mà quan trọng và hiệu quả hơn là từ việc tổ chức nếp sống gia đình. Trong đó, sự chú tâm ghi khắc công ơn tổ tiên, đề cao văn hoá gia đình… tạo hiệu ứng bền vững trong sự bồi đắp niềm tự hào trong bản sắc nhân cách, là động lực thúc đẩy cá nhân phấn đấu để đáp ứng kỳ vọng của gia đình nhỏ nói riêng và của đại gia đình trong tình cảm yêu thương và trách nhiệm là một thành viên của dòng họ.

Làm sao một bạn trẻ có thể dễ dàng đánh mất nhân cách khi văn hoá gia đình đã thấm đẫm, giúp họ cảm nhận rằng mình không chỉ là một cá nhân tự do mà đang thuộc về một dòng tộc với những đặc trưng văn hoá đáng tự hào.

Xã hội hiện đại ngày nay với gia tốc phát triển đã tạo nên những làn sóng mạnh mẽ, khiến các con thuyền gia đình chòng chành, chao đảo và có thể lật chìm bất kỳ lúc nào nếu các “thuyền trưởng và thuỷ thủ” của mỗi con thuyền ấy không biết cách giữ vững tay lái hoặc không chịu hợp sức cùng nhau chống giữ trước bão tố “văn minh”.

Năm hết, tết đến, nhìn lại cuộc sống gia đình trong năm qua là để định hướng cho một năm mới phát đạt, bình an và hạnh phúc hơn. Các bậc cha mẹ cần xem xét lại lối sống gia đình, để tổ chức công việc hợp lý hơn, biết chắt chiu tận dụng những giây phút sum họp của gia đình trong các dịp lễ tết để mọi thành viên gắn bó mật thiết với nhau và với truyền thống gia đình mà tổ tiên đã dày công vun đắp.

Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thị Bích Hồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét