Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Thầy cô luôn đúng?

"Những năm đầu hình phạt mà cháu sợ nhất là
dọa không cho đi học". Ảnh BBC
Có một lần tôi thử nghe một bài diễn văn của một vị lãnh đạo phát biểu trong ngày khai trường ở Hà Nội. Nghe xong tôi thấy hoang mang: có bao nhiêu điều khó hiểu trong bài phát biểu ấy. Chẳng lẽ các em học sinh lại hiểu được?



Ngày khai trường bên này, tôi mang con đến trường, trong lòng cảm thấy vô cùng lo lắng. Theo tục lệ mỗi một học sinh đều có một túi quà to mà ông bà, cha mẹ, họ hàng, hàng xóm, chuẩn bị trước cả hàng tháng, diễn ra bí mật, không cho đứa trẻ biết. Tất nhiên chúng biết sau lễ khai giảng chúng sẽ được quà, nhưng túi quà to, nhỏ thế nào, bên trong có những gì thì chúng hoàn toàn không biết và chỉ có háo hức đợi chờ ngày khai giảng.

Cô giáo trông rất vui vẻ và hòa nhã, đợi sẵn ở cổng trường. Cô bắt tay con gái tôi, rồi nói nhỏ vào tai hứơng dẫn tôi cách đi đến phòng  “bí mật”. (Lát nữa tôi sẽ trở ra xe của bạn tôi lấy túi quà cất vào phòng đó, đợi đến khi lễ kết thúc thì mới được trao cho con). Và cô cũng chào tạm biệt tôi luôn, không hề xuất hiện trở lại.

Khai giảng ở đây không làm chung toàn trường mà làm theo từng lớp một. Ví dụ, các em học sinh lớp 1A sẽ làm lễ khai giảng tại lớp 1A nhưng do các em sẽ là học sinh lớp 2A điều khiển. Vì thế các em học sinh lớp 1A mới cảm thấy hầu như không có gì cách biệt.

Tôi thực sự kinh ngạc khi các em học sinh mới chỉ vừa mới học xong lớp 1(chưa một ngày học lớp 2) nhưng rất tự tin, nhanh nhẹn và hoạt bát chủ trì chuơng trình. Chương trình kéo dài gần hai tiếng, không một phút dừng. Các em nhỏ lúc nào cũng rộn ràng vui vẻ.

Nhìn sang các phụ huynh thấy nhiều người, nhất là các ông bà, ai cũng rơm rớm nước mắt. Con tôi mặt đỏ hồng, mắt bừng lên phấn khích, chơi tất cả các trò do các anh chị lớp 2 hướng dẫn.

Đến cuối chương trình là màn biểu diễn một bài hát mà các anh chị vừa hướng dẫn chớp nhoáng. Thế là một bài hát do cả chủ và khách được hát rất to để tiễn ông bà
cha mẹ ra về.

Những năm đầu hình phạt mà cháu sợ nhất là dọa không cho đi học.

Một buổi lễ rất đơn giản về hình thức nhưng để lại cho tôi bao nhiêu xúc động. Đến nỗi nó buộc tôi phải suy nghĩ lại cách mình đối xử với con. Hình như trước đó mình chưa bao giờ thật sự tìm cách để hiểu con? Là một người cha nhưng tôi chưa bao giờ dùng khả năng của mình để kéo những mục đích lơ lửng ở trên trời đặt trước mặt con? Và tôi nghĩ, muốn làm được như thế mình phải là bạn của con.

Đến nay thì tôi hiểu, làm cha là một đặc ân mà ông Trời ban cho mình. Đặc ân này ông ấy ban ra và không thu lại.


Làm bạn với con cũng là một đặc ân. Nhưng đặc ân này ông ấy sẽ thu lại khi nào mình không chịu tìm cách để hiểu được con.

Sưu tầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét