Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Dạy con kiểu gì tốt hơn?

Kết quả học tập tốt là mục tiêu hàng đầu
trẻ em Trung Quốc phải đạt được.
Một cuốn sách ra bằng tiếng Anh nói các bậc phụ huynh người Hoa nuôi dạy con cái thành công hơn người Phương Tây đã gây bão táp ở Mỹ và châu Âu nhưng lại chẳng làm ai ở Trung Quốc mảy may ngạc nhiên.
Giáo sư luật Đại học Yale, bà Amy Chua - con gái của một gia đình người Hoa nhập cư vào Mỹ - cho biết giới trẻ Trung Quốc thường giỏi giang hơn chính nhờ các bậc phụ huynh nghiêm khắc hơn.

Nghiêm khắc với con cái trong chuyện chúng được phép hay không được phép làm gì ngoài giờ học, theo bà là điều đương nhiên, không phải bàn cãi gì ở Trung Quốc.

Nhiều bậc phụ huynh tin rằng nếu không làm vậy thì con cái không thể vào được các trường đại học tốt, điều được coi là tối quan trọng để sau này kiếm được công ăn việc làm tử tế.

Tiêu chuẩn cao

Không phải ai cũng cho rằng nghiêm khắc mới là cách tốt nhất để nuôi dạy con. Một số bậc cha mẹ ở Trung Quốc đang bắt đầu có quan điểm khác.

Tuy nhiên, việc chống chọi lại một hệ thống đức tin vào sự thành công trong chuyện học hành, vốn đã bắt rễ từ lâu tại nước này, lại không phải là chuyện dễ dàng.

"Chúng ta phải thích nghi với hệ thống chứ không thể đòi hỏi hệ thống phải thích nghi với từng cá nhân," bà mẹ Mạnh Tương Nghi có cậu con trai bảy tuổi nói.

Trường tiểu học Trung Quan Thôn số 2
được coi là một trong các trường học
lý tưởng ở Bắc Kinh.
Xét về nhiều mặt thì cô Mạnh khá giống như nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc được mô tả trong cuốn sách của Amy Chua, cuốn "Chiến đấu ca cho Mẹ Hổ" (Battle Hymn of Tiger Mother).

Cô đã từ bỏ công việc của mình để lo chuyện chăm sóc giáo dục con trai. Cô coi việc đưa bé Nê Thiên Hào, có tên tiếng Anh là Tom, vào được một trong các trường tiểu học hàng đầu ở Bắc Kinh, là sứ mạng hàng đầu của mình.

Cô đã thành công sau nỗ lực phi thường.

Cô Mạnh đã phải chuyển nhà vào khu "đúng tuyến" của trường học và ráo riết quan hệ với các giáo viên của trường để nhờ giúp cho đứa con trai được nhập học.

Cô cũng đã phải trả khoảng thêm 100.000 nhân dân tệ (tương đương 15.000 đô la Mỹ) các khoản phụ phí.

Thiên Hào vào được trường tiểu học Trung Quan Thôn số 2, nằm ngay gần một số đại học hàng đầu của Trung Quốc và, quan trọng hơn nữa, gần một số trường "đào tạo gà nòi" có thể giúp cậu vào được các trường đại học tốt.

Cậu đã tham gia các lớp học thêm tiếng Anh và đang được một huấn luyện viên nổi tiếng dạy bơi.

Cô Mạnh cho biết cô đã không khắt khe như một số bà mẹ.

"Tôi không đòi thằng bé phải đạt 100%. Nếu nó được 90% trở lên là tôi hài lòng rồi," cô nói. Tỷ lệ như thế mà cô cho là không đòi hỏi cao!!!

Hạnh phúc tuổi thơ?

Giáo sư Dương Đông Bình từ Viện Công nghệ Bắc Kinh đã từng bỏ ra nhiều năm nghiên cứu phương pháp nuôi dạy con ở Trung Quốc.

Ông không so sánh các bà mẹ Trung Quốc với hổ như tác giả Amy Chua. Thay vào đó, ông gọi họ là những bà mẹ điên.

"Vấn đề lớn nhất ở Trung Quốc là các bậc phụ huynh đang ngày càng không muốn để con cái mình được làm trẻ thơ", Giáo sư Dương nói.

"Chúng không có một tuổi thơ hạnh phúc mà chỉ toàn phải lo học hành, thi cử và rồi cả chuyện đi học thêm nữa."

Ông nói một phần hướng nuôi dạy con ở Trung Quốc như vậy là do truyền thống chú trọng vào việc học hành ở nước này.

Chính sách một con không chắc giúp được gì trong chuyện này. Không những vậy, nó có gây áp lực ghê gớm lên các em, đòi hỏi bọn trẻ phải thành công.

Còn cả những vấn đề khác nữa.

Giáo sư Dương nói rằng việc chú trọng quá nhiều vào thành tích học tập khiến các em cố gắng đạt được điểm cao, nhưng lại trở nên thiếu sáng tạo và thiếu trí tưởng tượng.

Tại Trung Quốc, người ta cũng ít nhiều băn khoăn về việc người lớn đòi hỏi quá nhiều ở trẻ em.

Karen Zhou, lấy chồng người Úc. Ban đầu cô cho cậu con trai tám tuổi của mình Oliver vào học ở một trường Trung Quốc.

Giáo sư Dương Đông Bình nói
các "bà mẹ điên" ở Trung Quốc
thường thúc ép con cái quá mức.
Nhưng sau cô cho con chuyển sang một phương Tây khi nhận thấy cậu con trai thường chán nản và không vui khi tới trường.

"Cháu nó bây giờ vui vẻ hơn nhiều. Về mặt kiến thức sách vở thì có tụt lại một chút, nhưng kỹ năng giao tiếp xã hội và cách suy nghĩ của cháu thì khác hẳn so với một năm trước đây," cô nói.

Karen Zhou có lẽ là một ngoại lệ.

Chẳng khó khăn gì nếu quý vị muốn tìm kiếm một thanh niên Trung Quốc, người coi tuổi thơ của mình như một quãng đời chỉ toàn chuyện học hành, hầu như không có thời gian để chơi bời hay tham gia hoạt động thể thao, điều vốn bị coi là làm phí hoài thời gian quý báu.

Một số người đã thành lập các nhóm hỗ trợ trên Internet, thu hút hàng ngàn thành viên, nhằm kể chi tiết cuộc sống khó khăn của họ thời còn bé.

Có một nhóm lấy tên "Tất cả các phụ huynh đều là thảm họa".

Lý Hạnh, phụ trách chuyên mục trên báo Trung Quốc Nhật Báo, đã lên tiếng cho nhiều người khi bà chỉ trích hệ thống.

Bà viết: "Trong cuộc sống có nhiều điều đáng quý hơn là điểm số qua các kỳ thi."


"Truyền thông và hệ thống giáo dục phải chú trọng hơn tới việc nền giáo dục toàn diện nhằm tạo ra những công dân tương lai có khả năng làm việc theo nhóm, có tính sáng tạo, cá tính và khả năng làm việc độc lập."

Quả là những từ ngữ cao đẹp, nhưng khi người ta ý thức rõ ràng rằng cuộc cạnh tranh tìm việc làm ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn ở Trung Quốc, thì một người cha hay người mẹ phải rất dũng cảm mới dám chiến đấu chống lại cả hệ thống hiện hành.

Michael Bristow
BBC News, Bắc Kinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét