Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Chúng ta có của thừa kế!

Nghe thấy mà ham, nhưng ở đây thì chúng ta không phải là kẻ thừa hưởng, mà là người để lại.
Ông bà tôi khi trăm tuổi chỉ để lại một ngôi nhà gỗ trên mảnh vườn nhỏ để làm nhà từ đường, với lời dặn dò là con cháu bất cứ ai cũng có thể về trú ngụ, nhưng không bao giờ được bán hay cho thuê.

Ba mẹ tôi còn rất khoẻ, khi nghỉ hưu cũng hớn hở xoa tay tuyên bố là chẳng có tài sản gì để lại cho các con ngoài căn nhà đang ở, nơi chúng tôi lớn lên và đã rời xa. “Bao giờ ba mẹ đi theo ông bà thì mấy chị em bây về tự chia nhau cái nhà thôi chứ chả có của cải gì khác nữa đâu nhé!” Chị em tôi nhìn nhau cười. Thôi, ba mẹ cứ sống lâu trăm tuổi, an nhàn như thế là được, mai sau nhà này sẽ làm “nhà mát” chung cho con cháu có chỗ mà trốn cái ngột ngạt của thành phố đôi lần một năm, chả chia chác gì đâu mà lo. Ba tôi gật gù, ờ vậy cũng được, rồi xoa cằm cười mãn nguyện “May mà chả có của chứ không lại đau đầu chuyện thừa kế đây!”.

Tôi nhớ lại chuyện đó khi ngồi cùng những người bạn của mình, thế hệ cha mẹ trẻ ở lứa tuổi 30 – 35. Đa số chúng tôi lớn lên ở thôn quê nhưng lăn lê nơi thành thị. Chúng tôi học, và bước ra đời trong thời kinh tế thị trường phát triển nhanh đến chóng mặt, những cơ hội đến nhanh và vụt đi cũng nhanh, ai lẹ tay chộp được thì giàu. Chỉ mười năm nhìn lại, tôi nhận ra những người bạn vốn từng phải chia nhau dĩa cơm thời sinh viên, một tối cuối năm 2000 còn rầu rĩ vì ba đứa góp lại không đủ 50 ngàn để mua quà sinh nhật cho bạn giờ đã là những người giàu của thế hệ. Ai cũng có một gia đình nhỏ với hai đứa con, và không còn tay trắng thảnh thơi như xưa nữa. Rất nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện nay đã có nhà, có xe hơi, xe máy, có vốn đầu tư, có tài khoản ở ngân hàng, có những khoản nợ và cả bảo hiểm nhân thọ. Tóm lại, chúng ta có tài sản. Chúng ta có của thừa kế. Những đứa con của chúng ta sẽ không chỉ nhận vài trăm ngàn chắt chiu mỗi tháng của cha mẹ cho việc học đại học. Chúng được đầu tư rất nhiều tiền của ngay từ khi mới chào đời từ cho đồ chơi và quần áo cao cấp, rồi việc học tiếng Anh, học kỹ năng, học phí trường quốc tế… Chúng sống trong một thời đại thậm chí chỉ mươi năm trước mà thôi còn vô cùng lạ lẫm với chính cha mẹ chúng, thời đại tiêu dùng. Anh bạn cũ ngắm nghía đứa con trai sáu tuổi ném tung bộ đồ chơi lego có giá đến vài triệu mà không hề cân nhắc, gật gù bảo: “Ngày xưa bọn mình mơ còn chẳng dám, nhỉ? Tụi nhỏ bây giờ sướng thật!” Một anh bạn khác trầm ngâm: “Ừ, đến mình còn phát ghen lên với con, vì… cha nó giàu hơn cha mình”.

Vậy thì, câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ dạy những đứa con của mình về tiền bạc như thế nào? Phải chăng chúng ta sẽ có những bài học khác với cha mẹ mình trước đây?

Mẹ tôi kể rằng bài học về tiền bạc của bà ngoại gói trong một câu: “Có mười đồng, ăn bốn đồng, bố thí một đồng, còn lại thì để dành”. Mẹ tôi tằn tiện đến độ bà có cuốn sổ nhỏ và ghi lại từng đồng lẻ một, bao nhiêu tiền hành, bao nhiêu tiền ớt. Nhờ vậy mà từ đồng lương giáo viên ít ỏi, cộng với chút hoa màu ở ruộng vườn, bà nuôi ba đứa con học đại học một cách thong thả. Nhưng trong tủ của bà cũng không bao giờ có quá một chỉ vàng. Bài học ba mẹ trao lại cho tôi cũng chỉ gói trong một câu: “Một đồng tiết kiệm là một đồng kiếm được”, nhắc đi nhắc lại từ ngày tôi ba tuổi đến ngày tôi là một bà mẹ hai con. Khi nhìn thấy sự thiếu thốn của gia đình, chúng ta dễ dàng chấp nhận sự tằn tiện, và xem đó là cách khôn ngoan nhất.

Nhưng với thế hệ con cháu chúng ta thì hai chữ “tiết kiệm” có đủ? Cô bạn tôi khi mang bài học “tiết kiệm là quốc sách” của mẹ mình ra để dạy cô con gái học lớp một trường quốc tế, rằng “mẹ còn phải để dành tiền mua sữa, mua thức ăn, chứ nếu tuần nào cũng mua Barbie thì con sẽ không có sữa uống” thì cô bé bắt bẻ ngay “Nhà mình có xe hơi, nhà mình giàu mà mẹ, làm sao không có tiền mua sữa uống được?”

Một chị đồng nghiệp của tôi thì kể rằng, khi chị đề nghị cậu con trai tám tuổi gửi tiền lì xì cho mẹ “để mẹ giữ giùm coi như bỏ tiết kiệm” thì cậu hỏi lại: “Vậy tiền lời là bao nhiêu?” Hai vợ chồng chị gần như ngã ngửa: “Tiền của con, mẹ giữ giùm coi như để dành mà lời lãi gì? Ai dạy con vậy?” Nó trố mắt, “Nhưng con thấy người ta quảng cáo trên báo là gửi tiết kiệm lãi suất cao mà. Sao gửi ngân hàng có lời mà gửi mẹ không có lời?”

Vậy đó, tiết kiệm 1 đồng sẽ có 1 đồng , 100 đồng sẽ có 100 đồng là chuyện… xưa lắm rồi. Ống heo đã là dĩ vãng. Tiết kiệm bây giờ là phải có lãi. Cuối cùng bạn tôi đành ngồi xuống bàn bạc với con, ít thì không có lãi đâu, nhưng con cứ để dành được mỗi 500 ngàn thì mẹ tặng cho con thêm 50 ngàn nữa. Đó là tiền lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con. Rất mãn nguyện, con trai chị hăng hái để dành tất cả các khoản tiền ông bà cậu mợ cho, gửi vào “ngân hàng mẹ”, tính sổ đàng hoàng.

Không cần nói cũng thấy, chỉ qua một thế hệ thôi nhưng đã khác nhau rất nhiều. Chúng ta không được quên rằng con cái mình đang lớn lên trong làn sóng tiêu dùng có sức mạnh khôn cùng. Việc để cho con trẻ tự mình lớn lên, xoay xở chống chọi giữa cuộc sống bị bao vây bởi vật chất, quảng cáo sẽ là bất nhẫn. Nếu đợi đến khi con mười mấy tuổi rồi mới dạy con giá trị của đồng tiền hay cách tiêu xài thông minh thì có khi đã muộn. Những đứa trẻ thời nay cần được dạy càng sớm càng tốt về tiền bạc, giá trị vật chất, về cách quản lý và ứng xử với đồng tiền, về cách điều khiển và làm nó sinh lợi, về cách tiêu xài thông minh, về sự chia sẻ và cả về những giá trị mà tiền không thể nào mua được.

Bởi chúng ta có của thừa kế. Và ngay từ bây giờ, chúng ta phải dạy con mình cách sử dụng nó sao cho hữu ích nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét