Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Lời khuyên về du học của 'người tha hương'

Lại khuân vác được, đọc cũng hay, những ai vọng ngoại nghĩ thử xem...
Thời gian qua có rất nhiều bạn quan tâm tới môi trường giáo dục tại Mỹ. Hôm nay tôi cố gắng dành thời gian viết lên một bài hy vọng sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho các bạn, khi quyết định tương lai cho con cái mình.
Lần nữa xin cảm ơn VnExpress đã tạo cho chúng tôi một diễn đàn thật tuyệt vời. Trân trọng cảm tạ tất cả phản hồi của các bạn và thành thật xin lỗi các cô chú Việt kiều, vì tôi là kẻ "vạch áo cho người xem lưng".

Qua bài viết vừa rồi, có rất nhiều bạn đọc đặt câu hỏi. Tại sao ở Mỹ có cuộc sống vất vả như vậy, mà nhiều người lại bỏ rất nhiểu tiền của để được tới Mỹ? Thực ra là: "Cá trong lồng đỏ hoe con mắt, cá ngoài lồng nguất ngoắt chui vô". Và tôi thấy có rất nhiều bạn đã hiều sai vấn đề.

Trước hết, tôi lấy cuộc sống đời thường của bản thân tôi nói riêng và những người xung quanh tôi nói chung để mô tả cuộc sống ở Mỹ cho bài viết được phong phú hơn. Ngụ ý chính của TÂM tôi là muốn truyền tới cho các bạn đang sống tha hương hiểu được nguyên tắc của"dòng chảy tiền tệ" và giá trị của đồng tiền mà các bạn đã đổ mồi hôi và xương máu mới có được. Tôi hoàn toàn không muốn những đồng tiền xương máu của quý vị trở thành tiền thưởng khổng lồ của các giám đốc ngân hàng mà lẽ ra bản thân và thân nhân của quý vị ở Việt Nam rất đáng được hưởng. Tôi không than vãn cuộc sống khổ cực mà chỉ muốn nói lên công lao làm sao chúng ta có được những đồng tiền đó, cũng không có ý định bêu xấu xã hội Mỹ mà ngược lại rất cảm ơn xã hội này đã cho tôi không ít thành công trong cuộc sống.

Thời gian vừa qua có rất nhiều bạn thực sư quan tâm tới môi trường giáo dục tại Mỹ. Hôm nay tôi cố gắng dành thời gian viết lên một bài hy vọng sẽ mang lại những thông tin bổ ích cho các bạn, khi quyết định cho tương lai của con cái mình.

Năm 1996, tôi được tới Mỹ bằng con đường du học. Tôi không may mắn như các bạn của tôi đã được tới trường học hành đỗ đạt. Nhưng trong tôi lại tự động viên mình với câu danh ngôn "người thông minh không bao giờ có thời gian để tới trường, họ không dại gì lãng phí tuổi xuân học những thứ mà cả đời không bao giờ dùng tới". Nhưng khẳng định với các bạn rằng, tôi là người kém cỏi và không có điều kiện để tới trường. Có lẽ tôi mang kiếp con trâu nên sau khi tới Mỹ, học tiếng Anh căn bản, tôi đã đi cày liên tục cho tới ngày hôm nay.

Hiện tại tôi làm việc 72h cộng 14h lái xe/tuần. Thu nhập rất xứng đáng với công sức của tôi bỏ ra nhưng hơi vất vả. Chắc các bạn lại hỏi tôi, sao lại tự hành xác mình như vậy? Xin thưa rằng: Rất cảm ơn xã hội này là tôi còn có công việc để làm, muốn về hưu trước 40 tuổi, rút ngắn thời gian để về Việt Nam sớm hơn, một ngày làm việc ở Mỹ có thể đủ sống 2-3 tuần ở Việt Nam. Và đặc biệt là tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi mình làm việc vất vả một ngày có thể giúp đỡ được người thân, một em bé ngồi trên xe lăn, một cụ già không nơi nương tựa... đủ sinh hoạt cho 1-2 tháng. Để chứng minh cho những lời nói của tôi. Tôi đã từng tới rất nhiều bệnh viện ở Việt Nam để trao những món quà nhỏ cho những mảnh đời mất mát lớn, gạo, bánh kẹo cho trại trẻ khuyết tật, trại chất độc da cam, trại trẻ mồ côi...

Khi bạn đã có suy nghĩ cho con mình đi du học ở nước ngoài thì tôi khẳng định bạn là một người rất tài giỏi. Với cuộc sống như vậy ở Việt Nam mà bạn đã có được số vốn như vậy là rất lớn. Và con cái bạn phải là một đứa con ngoan, giỏi. Chắc chắn khi cho con đi du học bạn phải chọn "con chim đầu đàn" mà con chim đầu đàn thì bất cứ môi trường nào nó cũng phát huy được khả năng tài hoa của mình, thì tôi nghĩ cần gì phải đưa nó ra nước ngoài. Ở đây tôi không đề cập đến vấn đế chảy máu chất xám hay tài sản quốc gia gì cho nó xa vời, mà bạn đã mang tội với ngay chính bản thân và gia đình bạn là: "Cống hiến nhân tài và tiền của cho nước bạn" có đứa con giỏi nhất trong gia đình cho nó ra nước ngoài làm giàu cho người ta. Nhưng nếu ra đi học hành thành đạt quay về phục vụ cho gia đình và đất nước thì lại là điều trên cả tuyệt vời.

Nhưng nếu các bạn đã quyết tâm cho con cái ra đi thì tôi có một vài kinh nghiệm xin chia sẻ với các bạn. Nếu bạn không muốn con mình đi học chỉ để lấy một mảnh giấy không có linh hồn về treo trên tường cho nó oai thì bạn phải chuẩn bị ít nhất là 200.000 USD và có thể hơn thế nữa để con bạn có thể học những trường tương đối có tên tuổi mà không phải lo gì đến vấn đề tài chính. Vì tôi thấy bạn bè của tôi sau khi tốt nghiệp nhận tấm bằng nhưng khi đi xin việc thì nó không có giá trị nên còn thất nghiệp dài dài. Ở Mỹ cũng như ở Việt Nam và các nước khác, trường, trung tâm giáo dục rất nhiều, học ở những trường này giá rẻ, dễ vào nhưng học xong thì khó lòng mà tìm được việc. Bằng chứng là mấy đứa bạn của tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ nhưng đang làm chủ tiệm nail. Thông thường, du học sinh của Việt Nam mình phải học 7-8 năm cho một chương trình 5 năm vì phải học Anh ngữ rất nhiều. Lấy ví dụ để các bạn dễ hình dung: nếu như một người ở Việt Nam nhưng nói tiếng Việt không rành mà vào một trường đại học để nghe giáo sư, tiến sĩ giảng về chuyên ngành thì người đó có thể hiểu được vấn đề hay không. Cho nên đối với du học sinh tiếng Anh đã là một cuộc chiến hết sức khốc liệt.

Cho dù con cái bạn vượt qua được những con đường đầy gian khổ đi chăng nữa, nhưng khi xin việc sẽ không thể không bị kỳ thị chủng tộc. Một người bản xứ và một người Việt chúng ta vào một công ty xin việc thì bạn nghĩ giám đốc nhân sự sẽ chọn ai? Và sa thải thì lại luôn được cân nhắc. Chỉ đơn giản việc thuê một căn hộ thôi cũng đã bị kỳ thị rồi.

Trước khi con cái lên đường thực hiện giấc mơ thì tôi chắc mọi người sẽ dặn dò: sang bên đó bằng mọi cách hợp thức hóa thường trú nhân. Con của các bạn thì bằng mọi giá lấy cho bằng được. Thật ra điều này hết sức nguy hiểm, có khi phải trả giá bằng cả cuộc đời. Nếu muốn định cư ở Mỹ thì có rất nhiều cách. Chẳng hạn, học giỏi như giáo sư Ngô Bảo Châu thì người ta sẽ mời ở lại, nhưng điều này không phải là đơn giản. Chỉ có cách đơn giản mà mọi người thường làm là bỏ ra 25-30.000 USD để kết hôn giả với một người có quốc tịch Mỹ.

Thông thường bạn bè cùng trang lứa sinh ra ở Mỹ không hợp, bạn du học thì đều có mục đích như nhau nên không thể, chỉ có nhờ bạn bè và người thân giới thiệu kết hôn với một người lớn tuổi đã có vợ hoặc chồng nhưng đã chia tay, nhiều khi 2-3 tua. Việc đầu tiên phải làm là đi xét nghiệm máu sau đó tới tòa án để đăng ký kết hôn. Sau khi quan tòa đọc tờ tuyên hôn, quan tòa thường có câu, trao nụ hôn cô dâu chú rể. Bạn thử tưởng tượng, một nụ hôn điêu luyện của người đàn ông 35-40 tuổi đặt lên đôi môi non nớt của người con gái thông minh xinh đẹp như con gái bạn thì sẽ ra sao? Người này còn có quyền sờ mó con gái bạn ngay trước mặt quan tòa. Trên đường về nhà kẻ này có thể hiếp dâm con gái bạn một cách hợp pháp. Gọi cảnh sát ư? Người ta còn thách nữa là khác. Lúc này con gái bạn đã dính "Hàn băng chưởng", cuộc đời cứ vậy từ từ mà tan nát. Và tất nhiên là con gái bạn phải phục vụ cho anh chàng này một nhiệm kỳ 3-5 năm nếu như muốn tiếp tục làm giấy tờ.

Ở Chicago có một cô bé người Hà Nội rất xinh, là bạn học cùng trường với tôi khi mới qua Mỹ. Thật lòng tôi rất thích cô bạn này nhưng đã không thể. Sau một thời gian dài du học ở Mỹ thì cô ấy đã bảo vệ một luận án tốt nghiệp rất xuất sắc - đó là 2 cậu nhóc. Đứa đầu thì thuần chủng giống Việt Nam còn đứa thứ 2 thì đúng nghĩa hợp chủng quốc, nửa Mỹ đen nửa Việt.

Ngay ở thành phố tôi đang ở, có một anh chàng người cùng quê với tôi, vừa mới qua Mỹ du học được 4 năm. Nhưng điều kiện kinh tế ở Việt Nam đã không thể cho phép cậu ta đến trường và cậu ta phải bỏ học ra ngoài làm việc để kiếm sống. Một lần vào vũ trường chơi đã xảy ra xô xát với bạn bè và cậu ta bị cảnh sát bắt nhốt 3 tháng nhưng được thả ra chờ xét xử. Trong lúc chờ xét xử thì cậu ta quen với con gái bà chủ. Một ngày, tòa gọi lên để trình diện nhưng không ngờ tòa đã chuẩn bị hồ sơ trục xuất ngay tại chỗ. Và đề tài nghiên cứu dở dang của cậu là một đứa bé 2 tháng tuổi với cô gái con bà chủ, thế là vợ chồng cách biệt Việt-Mỹ.

Thời gian gần đây tôi đọc tất cả các bài và phản hồi của các bạn nói về cuộc sống ở nước ngoài. Tôi thấy rất nhiều bạn có chung một ý tưởng là: "ra đi vì tương lai của con cái, vì tương lai con em chúng ta, hy sinh đời bố củng cố đời con....". Nhưng riêng tôi không biết có phải là mình đã sai hay là cá lội ngược dòng hay không mà trong lòng tôi lại có câu "về Việt Nam vì đứa con thân yêu của tôi". Tôi sẽ cho con tôi học từ lúc còn nhỏ ở Việt Nam đến đại học và sau đó có đi nước ngoài hay không thì để cho nó tự quyết định. Nghe không hợp lý chút nào phải không các bạn. Rõ ràng là nhiều người bỏ tiền của ra mà cũng không đi được, tại sao tôi lại quay về?

Vì sau khi sống ở Mỹ 14 năm và tôi đã sống và tiếp xúc không ít những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ nên tôi cũng có một chút hiểu biết về những đứa trẻ sinh ra ở đây. Trước khi đi vào vấn đề, thành thật xin lỗi các bác Việt kiều cho phép tôi được nói thật.

Vì mọi người phải làm việc 11-13h/ngày cho nên rất ít khi thấy mặt con. Sáng 7h con dậy đi học, mình còn ngủ, 3h30 chiều con đi học về mình đang ở chỗ làm, 9h30 mình về nhà con đã ngủ. Chỉ có chủ nhật là ngày duy nhất mà cả nhà sum vầy bên mâm cơm. Vậy thử hỏi bạn lấy đâu ra thời gian để truyền nội công tình cảm cho con cái? Cho nên tính cách của một đứa trẻ ở đây hoàn toàn do nhà trường giáo dục không chịu ảnh hưởng gì tới truyền thống giáo dục của gia đình. Không giống như ở Việt Nam, khi bạn đi làm về con cái chạy ùa ra quấn quýt bên bố mẹ, ríu rít khoe thành tích học tập. Mỗi tối cả gia đình quây quần bên mâm cơm, ngày qua ngày tình cảm chồng chất đến bao la. Cái này ở Mỹ có tiền cũng không mua được. Một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Mỹ mình không phải lo nó có hòa nhập được cuộc sống ở Mỹ hay không mà nó đã hòa tan rồi.

Qua một thời gian dài nhìn nhận và đánh giá tôi có một số nhận xét chung. Những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ hết sức ích kỷ, sống chỉ biết bản thân, bố mẹ đi làm về cũng không thèm chào hỏi vì mải chơi game, không có tình cảm với gia đình, không thích gần gũi và hòa nhập với cộng đồng người Việt, xấu hổ với bạn bè về nguồn gốc, cố lãng quên nguồn gốc. Học hành không tốt vì phải học hai ngôn ngữ một lúc hay bố mẹ không có trình độ nước sở tại để kèm cặp bài vở cho con. Khi tới trường luôn bị bạn bè chê cười kỳ thị dẫn tới mặc cảm. Bố mẹ quá bận rộn mải làm việc nên không có thời gian để dạy dỗ nên hỗn, không chịu nghe lời bố mẹ, hay chỉnh sửa khi bố mẹ lên tiếng, hay chê cười bố mẹ dốt nát không biết nói tiếng Anh. 11-12 tuổi sẵn sàng gọi cảnh sát bỏ tù cha mẹ khi bị giáo dục bởi roi vọt. Đã có rất nhiều người Việt chúng ta ở bên này ngồi tù vì tội đánh con. Ở Mỹ muốn la mắng con cái cũng không được vì mắng nó bằng tiếng Anh thì mình không biết, bằng tiếng Việt thì nó không hiểu, đánh nó thì bị đi tù, thật không biết làm sao. Hầu như những đứa bé ở Mỹ, đặc biệt là tiểu bang lạnh, không biết nói và viết tiếng Việt, quan hệ tình dục rất bừa bãi vì 12 tuổi nhà trường đã giáo dục giới tính và khuyên xài thuốc ngừa thai...

Theo tôi không có nền giáo dục nào là hàng đâu thế giới và cũng không có nền giáo dục nào là xấu cả. Chỉ có con người là không được tốt mà thôi. Hy vọng bài viết này sẽ là thông tin bổ ích cho quý vị trước khi quyết định cho con đi du học hay cùng con cái ra nước ngoài để ở.

Danny Nguyễn (theo VnExPress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét