Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Hai người thầy

Lại sưu tầm được một bài hay....



1. Tôi quen một người vốn có quá khứ giang hồ, sau trở thành một doanh nhân thành đạt, sống phóng khoáng, thích giúp đỡ người khác và hay làm từ thiện.

Có lần đi cùng một chị nhà văn đến nhà một lương y ở Hà Nội bốc thuốc bắc, ngẫu nhiên tôi gặp anh ở đấy. Ra về, nữ nhà văn nổi tiếng tinh quái trong cách nhìn người cứ tấm tắc khen: “Người đâu mà nho nhã, lịch thiệp thế nhỉ!” Tôi bật cười: “Lầm to! Trước kia người ta gọi anh ấy là “đại ma đầu” đấy!”

Tôi biết anh cũng vì chung sở thích võ thuật. Chính xác anh là “đại sư huynh”, còn chúng tôi chỉ là đàn em, thuộc loại võ vẽ nhì nhằng.

Anh đến tìm thầy học võ khi đã nổi tiếng là một cao thủ trong giới giang hồ.

“Khi ấy tuổi trẻ ngông cuồng, thật lòng thì chưa muốn học, đến xin học là để thử thầy, quậy lò là chính” – anh kể.

Thầy nhìn anh, nói bỡn: “Tôi biết ông là người giỏi võ rồi, còn học tôi làm gì?”

Anh lúng túng gãi đầu gãi tai chưa biết trả lời sao thì thầy tôi nói tiếp: “Ở đây không dạy võ, chỉ dạy làm người, có học không?”

Câu hỏi ấy đã đánh thức phần lương thiện và nghĩa khí trong anh. Với sự khôn ngoan, lỳ đòn, quyết liệt của một người trải qua nhiều thăng trầm, đau đớn trong một môi trường khốc liệt “dưới đáy” xã hội, cộng với sự khéo léo, bản lĩnh vững vàng hình thành theo thời gian tập luyện và một cái tâm hướng thiện, “làm lại cuộc đời”, anh từng bước đi lên từ một người buôn bán nhỏ, thành một doanh nhân thành đạt, rộng rãi.

Thầy tôi từng nói, mình vốn không đánh giá con người qua sự thông minh ít hay nhiều. Cần cù có thể bù được thông minh. Người thông minh nếu đi đúng đường thì cái thông minh ấy sẽ được nhân lên gấp bội;  nhưng nếu người thông minh ấy mà lầm đường, lạc lối thì có thể trở nên cực kỳ nguy hiểm. Ấy là thầy tôi muốn nhấn mạnh đến việc dạy người đi đúng đường phải lối, không nhất thiết phải lấy thành tích mà ganh đua, so bì, định giá con người. Điều đó mới là quan trọng nhất.

2. Tính ra anh theo thầy đã tròn 30 năm. Tuổi thầy và trò “xêm xêm” như nhau, nên nghĩa là sư đồ mà tình như thủ túc.

Người ta đã nói nhiều về tình nghĩa thầy trò, coi ơn thầy không thua gì ơn cha mẹ sinh thành, quả không sai. Nhưng tôi có cảm giác chưa nhiều người đề cập đến một tình bạn lâu bền và bình đẳng giữa thầy và trò.

Người xưa nói “thi kiếm hội hữu”, mượn việc thi đánh kiếm để kết bạn tâm giao, chứ không phải mục đích chính là phân cao thấp. Mượn võ, mượn học thuật để kết bạn, tạo nên một cộng đồng lành mạnh, tình nghĩa, khơi dậy phần nghĩa khí, lương thiện, rèn luyện sức khỏe (sức mạnh), bản lĩnh ở từng con người âu cũng là một cái đích cao đẹp của việc dạy và học.

3. Có lần người thầy thuở giang hồ của “đại sư huynh” gặp thầy của tôi. Ông bắt tay thầy, nói giọng không biết là vui hay buồn: “Tôi chỉ dạy nó những điều xấu, còn anh lại chỉ dạy những điều tốt. Cùng làm thầy, nhưng anh thắng tôi rồi”.

Thầy tôi lắc đầu, cười xòa: “Không phải. Nếu không có quá khứ ấy, thì làm sao có hiện tại này được?”

Người thầy kia nghe xong cũng cười: “Anh nói vậy, tôi biết anh lại thắng tôi thêm một lần nữa!”

4. Thầy tôi vẫn bảo: “Tôi không mong muốn học trò của mình học võ để trở thành người chỉ giỏi võ vì thời đại này không phải thời của tay đấm chân đá nữa. Tôi mong muốn 3 điều: hãy tập võ để trở thành người đàng hoàng, để có một gia đình tốt và một vị trí người trong xã hội”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét