Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Bộ phim khiến nhân loại phải rơi nước mắt!

Trong kho tàng điện ảnh nhân loại về cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai còn rất nhiều những tác phẩm lớn cùng những câu chuyện ít người viết về chúng. Xin giới thiệu câu chuyện về một bộ phim không thể bỏ qua, một kiệt tác khiến nhân loại phải rơi nước mắt: Schindler's List (Bản danh sách Schindler).
Một câu chuyện phủ bụi suốt 30 năm

Ít ai nghĩ đến bộ phim đã làm cả thế giới phải thổn thức này, lại xuất phát từ ước vọng nhỏ bé của một người rất bình thường: ông Poldek Pfeifferberg - một người Ba Lan gốc Do Thái, sau Thế chiến thứ hai, ông di cư sang Mỹ và đổi tên là Leopold Page. Poldek tâm nguyện rằng sứ mạng của đời ông là phải bằng mọi cách đưa câu chuyện về hành động – còn hơn cả anh hùng – của vị cứu tinh ra trước ánh sáng. Tên của vị cứu tinh là Oskar Schindler, người đã bất chấp mọi nguy hiểm để cứu sinh mạng hơn một ngàn người Do Thái tại Ba Lan (trong đó có Poldek) vào thời kỳ diễn ra nạn diệt chủng người Do Thái.

Năm 1963, Poldek cố gắng sản xuất một bộ phim tiểu sử về Oskar Schindler cùng với hãng MGM, với kịch bản do Howard Kock viết, nhưng rốt cuộc không có sự thỏa thuận nào đạt được. Năm tháng trôi qua, Poldek – giờ là chủ một cửa hàng bán đồ da ở Beverly Hills – dù tuổi tác đã chồng chất, ông vẫn kiên nhẫn kể đi kể lại hàng trăm lần câu chuyện của vị ân nhân Oskar Schindler cho tất cả những nhà văn và nhà sản xuất nào đã từng tới tiệm của ông…, nhưng chả ai quan tâm…

Vào một ngày tháng 10/1980, tác giả người Úc Thomas Keneally đang trên đường trở về quê nhà sau một buổi ký tặng sách, ông ghé cửa tiệm của Poldek để mua một chiếc cặp da mới. Trong khoảng thời gian Keneally chờ thanh toán bằng thẻ tín dụng, Poldek cố thuyết phục Keneally bước vào căn phòng ở phía sau, nơi cất giữ hai chiếc tủ chứa đầy những tài liệu mà ông đã thu thập được mấy chục năm qua. Sự khẩn khoản và nhiệt tình của Poldek đã dẹp tan sự miễn cưỡng của Keneally, và nhà văn này quyết định biến dự định ấp ủ suốt hàng chục năm của Poldek Pfeifferberg thành cuốn sách kế tiếp của mình. Năm 1982, cuốn tiểu thuyết Schindler’s Ark (Chiếc rương của Schindler) ra đời.

Chủ tịch Sid Sheinberg của tập đoàn giải trí MCA gửi đạo diễn Steven Spielberg một bài bình luận về cuốn sách của tờ New York Times. Spielberg kinh ngạc trước câu chuyện về Oskar Schindler, ông hỏi đùa rằng câu chuyện có thật hay không. Spielberg “bị cuốn hút vào bản chất nghịch lý của Schindler… một tên phát xít lại cứu người Do Thái ư?… Điều gì đã khiến một người đàn ông giàu có như thế đột nhiên đánh đổi tất cả những gì đã có để cứu mạng những sinh linh Do Thái tội nghiệp này?”

Spielberg bày tỏ sự quan tâm để hãng phim Universal mua bản quyền cuốn tiểu thuyết. Đầu năm 1983, Spielberg gặp gỡ Poldek Pfefferberg và cho biết ông sẽ đưa câu chuyện về Schindler lên màn ảnh. Poldek mừng rỡ hỏi: “Xin hãy cho tôi biết, khi nào ông bắt đầu sản xuất bộ phim?” Spielberg trả lời: “10 năm, tính từ bây giờ!”. Sau này (năm 1993) phát biểu khi nhận giải Oscar đạo diễn phim Schindler’s List, Spielberg đã trân trọng dành lời cảm ơn đầu tiên đến Poldek Pfefferberg (tên ghi đoạn cuối phim là Leopold Page).

Và hành trình 10 năm

Steven Spielberg
Thời điểm 1983, Steven Spielberg chỉ mới 37 tuổi nhưng đã là một đạo diễn nổi tiếng toàn cầu với hàng loạt bộ phim “bom tấn”. Cầm trên tay dự án “làm lương tâm ông day dứt”, Spielberg quyết định sẽ sản xuất mà không làm đạo diễn vì ông cho rằng mình chưa đủ chín chắn để thực hiện một bộ phim về thảm họa diệt chủng người Do Thái (Holocaust). Mặc dù Steven Spielberg là cái tên rất “nặng ký” tại Hollywood, nhưng nhà đầu tư nào cũng lắc đầu từ chối vì câu chuyện này quá thương tâm, sợ không thu hồi nổi vốn! Còn một vấn đề khá hóc búa nữa là chọn đạo diễn nào?

Năm 1988, Martin Scorsese được mời vào ghế đạo diễn, nhưng ông khước từ vì cảm thấy mình không thể làm công việc này hay bằng một đạo diễn gốc Do Thái. Spielberg cố gắng chuyển dự án cho đạo diễn Roman Polanski, nhưng ông này cũng từ chối vì chủ đề đau lòng này chạm đến nỗi đau của riêng cá nhân ông (mẹ của Polanski bị chết tại trại tử thần Auschwitz, còn Polanski lúc 8 tuổi đã trốn thoát khỏi khu Do Thái Kraków. Mãi đến năm 2002, Polanski mới đạo diễn một bộ phim về Holocaust - phim The Pianist).

Hai đạo diễn Sidney Lumet, Sydney Pollack cũng đã được nhắm tới, kể cả đạo diễn lão thành Billy Wilder - người góp phần viết bản thảo đầu tiên của kịch bản này - đã bày tỏ mong muốn được đạo diễn bộ phim “để tưởng niệm hầu hết những thành viên gia đình đã bỏ mạng tại trại tử thần Auschwitz”. Nhưng giờ chót, vì lý do sức khỏe, ông đành phải từ chối, và khuyến khích Steven Spielberg nên đạo diễn phim này.

Động cơ thúc đẩy Spielberg quyết định đạo diễn Schindler’s List là sau khi nghe buổi điều trần về nạn diệt chủng ở Bosnia, và những người phủ nhận nạn diệt chủng người Do Thái. Với sự trỗi dậy của Tân Phát xít sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin, ông lo lắng rằng mọi người đang chấp nhận sự trở lại hẹp hòi về chủng tộc, giống như chủ nghĩa phát xít những năm 1930. Ngoài ra, Spielberg đang ngày càng bị thu hút vào di sản Do Thái của gia đình ông trong việc nuôi dạy con cái - cũng là nguyên nhân chính đi đến quyết định của ông.

Từ năm 1983, tác giả Thomas Keneally đã được mời chuyển thể cuốn sách của mình thành một kịch bản dài 220 trang, nhưng câu chuyện lại không đủ cô đọng. Spielberg mời Kurt Luedtke - đoạt Oscar kịch bản chuyển thể Out of Africa - viết bản thảo kế tiếp. Gần bốn năm sau, Luedtke đầu hàng vì ông thấy sự thay đổi con tim của Schindler hướng về người Do Thái thật quá khó tin! Cuối cùng, Spielberg mời trở lại Steven Zaillian – người đã được Martin Scorsese mời viết kịch bản, nếu ông ngồi ghế đạo diễn – và theo yêu cầu của Spielberg, kịch bản ban đầu của Zaillian từ 115 trang phải kéo thành 195 trang.

Chủ tịch Sid Sheinberg bật đèn xanh cho bộ phim với một điều kiện: Spielberg phải làm Jurassic Park trước! Spielberg sau này cho biết: “Ông ấy biết rằng một khi tôi đạo diễn Schindler’s List trước, thì sẽ không thể làm được Jurassic Park”. Thú vị là đồng sản xuất với Spielberg là nhà sản xuất Branko Lustig, khi còn bé đã từng bị giam cầm và may mắn sống sót tại trại tử thần Auschwitz. Sau này khi lên nhận giải Oscar, ông tiết lộ số áo tù của mình là A3317.

Đi tìm các nhân vật trong phim
Liam Neeson
Quan trọng nhất là vai nhà doanh nghiệp, thành viên Đảng quốc xã, Oskar Schindler. Ban đầu diễn viên Thụy Điển Stellan Skarsgård, rồi đến diễn viên Thụy Sĩ Bruno Ganz được chấm cho vai này, nhưng họ đã từ chối. Các ngôi sao Hollywood như Warren Beatty, Kevin Costner, Mel Gibson, và cả Harrison Ford đều tỏ ra quan tâm đến vai diễn này, nhưng Spielberg chỉ muốn chọn những diễn viên châu Âu và càng ít nổi tiếng càng tốt bởi ông lo ngại rằng, vị thế của các ngôi sao điện ảnh sẽ làm người xem mất tập trung vào những sự kiện chính của bộ phim. Cuối cùng người được chọn là diễn viên người Bắc Ailen Liam Neeson sau khi Spielberg xem anh diễn xuất trong vở kịch Anna Christie trên sân khấu Broadway.

Ralph Fiennes
Tên chỉ huy phát xít thú tính Amon Göth là nhân vật có thật tại trại Kraków. Spielberg đã chọn một diễn viên sân khấu người Anh chẳng mấy ai biết đến, Ralph Fiennes, sau khi Spielberg xem diễn xuất của anh trong bộ phim truyền hình A Dangerous Man: Lawrence After Arabia và Emily Brontë's Wuthering Heights. Spielberg nói về buổi thử vai của Fiennes rằng: “Tôi nhìn thấy ở Fiennes vẻ ác độc đầy nhục dục. Diễn xuất của anh ta rất tinh tế, có những khoảnh khắc tử tế hiện ra trên đôi mắt rồi ngay lập tức chuyển sang lạnh lùng”. Để đóng vai này Ralph Fiennes phải liên tục uống bia Guinness để tăng 13 kg. Anh xem nhiều bộ phim tài liệu lịch sử và trò chuyện với những người tù sống sót từng biết về Göth. Khi mặc trang phục sĩ quan SS, Fiennes trông giống Göth tới mức bà Mila Pfefferberg, một người sống sót sau nạn diệt chủng ở trại Kraków, vừa nhìn thấy Fiennes tại phim trường đã sợ run bắn người lên!

Diễn viên có tên tuổi duy nhất trong phim là nam diễn viên người Anh, Ben Kingsley - từng đoạt giải Oscar vai chính trong phim Gandhi - thủ vai Itzhak Stern, viên kế toán người Do Thái, người đã lập bản danh sách cứu người cho Schindler. Tổng cộng trong phim có 126 vai diễn có lời thoại. 30.000 diễn viên phụ được mời tham gia trong quá trình bấm máy. Spielberg đã chọn con em của những người Do Thái được Schindler cứu cho những vai diễn chủ chốt nói tiếng Do Thái, và mời những người Ba Lan Công giáo đóng vai những người sống sót. Trong thời gian quay, các diễn viên Đức đóng vai sĩ quan SS thường tới gặp Spielberg và nói: “Cám ơn ông đã cho tôi giải tỏa những bí mật của gia đình tôi bằng cách đóng trong phim của ông”. Khi quay được nửa chặng đường, Spielberg nảy ra ý định thực hiện phần kết trong đó 128 người (còn sống) được Schindler cứu, bày tỏ lòng thành kính của họ đối với Schindler trước mộ phần của ông tại Jerusalem. Các nhà sản xuất đã nhanh chân tìm thấy những người thật được khắc họa trong phim.

Nước mắt đổ trên trường quay

Steven Spielberg bắt đầu thực hiện Schindler’s List tại Ba Lan trong khi bộ phim “bom tấn” Jurassic Park (1993) của ông đang trong giai đoạn cao điểm làm hậu kỳ, khiến Spielberg đồng thời phải kiểm soát bộ phim đó qua vệ tinh, với sự trợ giúp hết lòng của người bạn thân George Lucas.

Chính phủ và nhân dân Ba Lan tuy dành cho đoàn phim rất nhiều thiện cảm, nhưng bộ phim lại không được phép quay tại 2 địa điểm thật, bối cảnh quan trọng chính của phim, là Trại lao động cưỡng bức ở Plaszów và trại tử thần Auschwitz. Hai bản sao mô phỏng như thật đã được xây dựng là một trong những bối cảnh lớn nhất được dựng ở Ba Lan. Bối cảnh này được xây dựng theo sơ đồ của trại nguyên gốc. Đoàn phim đã xây dựng 34 tòa nhà, 7 tháp canh và tái tạo con đường dẫn vào trại được lát bằng những tấm bia mộ của người Do Thái. Để thu thập các trang phục cho 20.000 diễn viên phụ, các nhà thiết kế trang phục đã đăng quảng cáo trên cả nước Ba Lan để mua lại những bộ quần áo cũ từ những thập niên 1930 và 1940. Rất nhiều người Ba Lan đã hăm hở bán lại quần áo mà họ vẫn còn sở hữu cho đoàn phim.

Ban đầu Spielberg tính sử dụng tiếng Đức và Ba Lan trong những cảnh tái tạo cảm giác thật như trong quá khứ, và sử dụng tiếng Anh để nhấn mạnh những điểm kịch tính. Nhưng sau đó ông lại đổi ý dùng tiếng Anh hầu như toàn bộ vì e rằng mình sẽ không thể đánh giá chính xác sự diễn xuất của các diễn viên bằng những ngôn ngữ xa lạ, đồng thời đó sẽ là nguyên do khiến khán giả có thể đưa mắt ra khỏi màn ảnh và nhìn cái khác!
Schindler’s List được khởi quay vào ngày 01/03/1993 tại Kraków, Ba Lan. Thời gian quay bộ phim là khoảng thời gian vô cùng xúc động đối với cá nhân Spielberg, vì chủ đề của bộ phim buộc ông đương đầu với những ám ảnh thời thơ ấu. Chẳng hạn như chủ nghĩa bài Do Thái mà ông đã từng phải đối mặt, hay những câu chuyện về Holocaust mà ông nghe các nhân chứng sống kể lại… khiến Spielberg hầu như khóc suốt thời gian quay. Tuy ngồi ghế đạo diễn, nhưng ông không dám đứng xem lúc quay cảnh những người Do Thái lớn tuổi bị bọn Đức lột trần truồng thả chạy rông, để những gã bác sĩ phát xít lựa chọn đưa tới lò thiêu sống Auschwitz!

Diễn biến trong cảnh bọn phát xít thanh trừng khu Do Thái ở Krakow chỉ dài một trang trong kịch bản, nhưng Spielberg đã biến thành 20 trang và ông chắc chắn rằng 20 phút đau thương trên màn ảnh này có thể làm thắt lòng bất cứ ai đã từng xem qua. Nó hoàn toàn dựa theo lời kể của các nhân chứng còn sống.

Một vài nữ diễn viên đã nghẹn ngào khi quay cảnh tắm vòi sen, trong đó có một người đã từng được sinh ra tại một trại tập trung. Còn diễn viên Ben Kingsley (đóng vai thư ký Itzhak Stern), trong lúc quay lúc nào cũng giữ trong túi áo khoác của mình một bức ảnh của Anne Frank – người thiếu nữ chết trong một trại tập trung Do Thái, và là tác giả của cuốn Nhật ký Anne Frank nổi tiếng, viết về nạn diệt chủng Holocaust.

Vợ Spielberg, diễn viên Kate Capshaw và 5 đứa con luôn luôn sát cánh bên ông trên trường quay, và sau này ông đã cám ơn vợ mình “đã giải cứu tôi trong 92 ngày liên tiếp… khi mọi thứ đã trở nên quá đau khổ!”. Cha mẹ của Spielberg cùng với một người giáo sĩ Do Thái cũng thường xuyên đến phim trường thăm ông. Thậm chí, do không khí quá căng thẳng, cứ hai tuần một lần, bạn Spielberg là diễn viên hài Robin Williams lại gọi điện để lên dây cót tinh thần cho ông bằng nhiều câu chuyện đùa dí dỏm!

Spielberg cầm chắc bộ phim sẽ thất bại về doanh thu nên ông kiên quyết không nhận thù lao. Ông cho rằng đồng tiền kiếm được trên thảm kịch của người Do Thái là “những đồng tiền máu”.

Bộ phim trắng đen đắt nhất từ trước đến nay

Thật ngạc nhiên khi Spielberg quyết định không lên kế hoạch cho bộ phim bằng kịch bản hình (storyboard) – một điều gần như là quy định bất thành văn ở Hollywood và trên thế giới. Sau khi xem hai bộ phim tài liệu về đề tài Holocaust The Twisted Cross (1956) và Shoah (1985), Spielberg quyết định chọn phong cách tài liệu cho Schindler’s List. Ông cũng gây bất ngờ khi chọn Janusz Kaminski – một nhà quay phim trẻ người Ba Lan lúc ấy còn rất vô danh, đảm trách phần hình ảnh (Từ sau Schindler’s List, Janusz đã trở thành nhà quay phim “ruột” trong tất cả những bộ phim của Steven Spielberg sau này).

40% bộ phim được quay bằng camera cầm tay, Spielberg cảm thấy rằng điều này sẽ tạo cho bộ phim tính tự nhiên, sắc bén, và hợp với chủ đề của bộ phim. Trong phim này, phong cách quay hoàn toàn là của chính ông. Ông tự hào khoe rằng đây là một trong những bộ phim hiếm hoi, không có cảnh nào sử dụng cần cẩu, không steadicam (hệ thống giảm xóc), vứt bỏ ống kính zoom, và tống khứ gần như tất cả những thiết bị hiện đại thường hay sử dụng trong các bộ phim lớn.

Quyết định quay bộ phim chủ yếu bằng trắng đen là một sự táo bạo đầy rủi ro, nhưng nó làm nổi bật thêm phong cách tài liệu của kỹ thuật quay phim được so sánh với phong cách điện ảnh trước đây như Chủ nghĩa Biểu hiện của Đức và Chủ nghĩa Tân hiện thực của Ý. Kaminski nói rằng mình muốn đưa vào bộ phim một cảm giác vượt thời gian, để khán giả sẽ “không cảm nhận được nó đã được thực hiện vào khi nào. Đó là tất cả những gì mà tôi đã thấy và hình dung về Holocaust… chúng là những hình ảnh trắng đen ảm đạm toàn diện!”.

Chủ tịch của Hãng Universal, Tom Pollock, yêu cầu Spielberg quay bộ phim bằng âm bản màu, để sau này khi phát hành băng đĩa sẽ dễ bán hơn, nhưng Spielberg không muốn “tô điểm cho các sự kiện đẫm máu”. Quay trắng đen mở ra nhiều thách thức cho ê kíp quen làm phim màu. Allan Starski, nhà thiết kế sản xuất, phải làm cho các bối cảnh tối hơn hoặc sáng hơn diễn viên trong cảnh quay, để người và cảnh không lẫn lộn vào nhau. Trang phục phải có sự khác biệt với nước da hay màu da của diễn viên được sử dụng trong bối cảnh.

John Williams
Spielberg tiếp tục mời John Williams - người nhạc sĩ quen thuộc trong tất cả các phim của ông – soạn nhạc nền cho Schindler’s List. Nhưng chủ đề của bộ phim khiến cho nhà soạn nhạc danh tiếng này phải bối rối, vì ông cảm nó quá khó. Ông bảo với Spielberg: “Anh cần phải có một nhà soạn nhạc giỏi hơn tôi để viết nhạc cho phim này”. Spielberg đáp lại: “Tôi biết. Nhưng họ đều chết hết cả rồi!”. Câu nói đó là một sự khích lệ rất lớn với Williams, giúp ông cho ra đời một trong những giai điệu hay nhất trong lịch sử điện ảnh. Williams đã chơi bản nhạc chủ đề chính bằng piano, và theo sự gợi ý của Spielberg, ông mời danh cầm người Do Thái Itzhak Perlman biểu diễn với cây violin. Tiếng đàn day dứt của Perlman đã làm “sởn gai ốc” cho bất cứ ai và trở thành giai điệu chính của phim. Sau này chính Itzhak Perlman đã nói rằng, sự đóng góp của ông trong Schindler’s List là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của mình.

Schindler’s List được hoàn tất trong thời gian 72 ngày. Với kinh phí 22 triệu USD, đây là bộ phim đen trắng tốn kém nhất từng được thực hiện từ trước tới nay. Schindler’s List cũng là bộ phim đầu tiên bị xếp loại R (dưới 17 tuổi phải có cha mẹ hoặc người lớn đi kèm) của Steven Spielberg.

Và bộ phim trắng đen ăn khách nhất mọi thời đại

Bộ phim được công chiếu đầu tiên tại New York, Los Angles và Toronto vào ngày 15/12/1993. Mùa Hè năm đó cả thế giới đã rồng rắn kéo nhau đi xem những con khủng long gầm thét trong “quả bom tấn” Jurassic Park của Spielberg, tạo nên doanh thu khổng lồ 914,7 triệu USD. Nay người ta tò mò đi xem thử bộ phim “nghệ thuật phi thương mại” đầu tiên của Steven Spielberg như thế nào.

Trái với dự đoán, Schindler’s List đã thu hút khán giả một cách bất ngờ. Chưa bao giờ khán giả Mỹ lại đổ xô đi xem một bộ phim chiến tranh đen trắng, dài 3 giờ 15 phút với câu chuyện hoàn toàn đen tối và quá bi tráng như vậy. Bộ phim thu được 96,1 triệu USD tại Mỹ và hơn 321,2 triệu USD trên khắp thế giới. Vào thời điểm đó, báo chí thế giới hầu như chỉ nói về Schindler’s List. Hàng loạt phóng sự, những cuộc điều tra đã hé mở cuộc đời bí ẩn và kết cuộc buồn thảm của người hùng thầm lặng Oskar Schindler.

Đặc biệt tại Đức, bộ phim có đông người xem nhất trên thị trường quốc tế với hơn 5,8 triệu vé đã được bán ra. Đa số là khán giả trẻ đã vào rạp xem và những gì hiện ra trên màn ảnh khiến cho họ bàng hoàng. Họ bước ra khỏi phòng chiếu với gương mặt ràn rụa nước mắt và bước chân nặng trĩu. Họ không thể tin được cha ông của mình có thể phạm những tội ác tày đình như thế đối với loài người. Một số khán giả Đức khi gặp người Do Thái xa lạ đã không ngần ngại ôm lấy họ khóc nức nở, hoặc lạy rạp trước mặt họ như để cầu xin một sự tha thứ cho những lỗi lầm của ông cha ở quá khứ. Tất nhiên Schindler’s List được đón nhận nồng nhiệt tại Israel, nơi nó được phát sóng trên truyền hình công cộng hàng năm vào ngày tưởng niệm Holocaust, không bị lược bỏ, không bị kiểm duyệt và không bị cắt ngang bởi quảng cáo.

Schindler’s List là bộ phim được giới phê bình ca ngợi nhiều nhất trong sự nghiệp lừng lẫy của Steven Spielberg. Nó giành 7 giải Oscar, trong đó có giải Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Sau phim này, cả hai diễn viên Liam Neeson và Ralph Fiennes đều nổi tiếng. Schindler’s List luôn có mặt trong Top 10 – các danh sách bình chọn những phim hay nhất mọi thời đại ở bất cứ quốc gia nào.

Giữ đúng lời hứa, toàn bộ lợi nhuận mà Steven Spielberg được hưởng theo sau sự thành công của bộ phim, đã được ông thành lập Quỹ tài trợ Survivors of the Shoah Visual History Foundation (Hình ảnh lịch sử của những nạn nhân sống sót sau nạn Diệt chủng Do Thái), một tổ chức phi lợi nhuận có mục tiêu là lưu trữ những chứng cớ được quay thành phim của nạn nhân sống sót Holocaust.

Sưu tầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét