Thứ Hai, 5 tháng 7, 2010

Con khỉ và chuyện không khỉ.

Bố nghe thấy mọi người bình phim Tây Du ký nhiều quá nên bức xúc viết cái này, ai thích thì đọc.

Hình như là từ khi được công chiếu ở Việt Nam, hè năm nào mọi người cũng lại được xem Tôn Ngộ Không múa may trên màn ảnh nhỏ. Trẻ con thì thích con khỉ như kiểu bọn chúng đi vườn bách thú, thế còn người lớn họ thấy gì, họ được gì.

Phổ biến nhất là người ta thấy sự không công bằng giữa vị trí và năng lực của bốn người đi lấy kinh rồi đa số là bực tức vì cái bất công đó. Nếu chỉ có vậy trong Tây Du ký chẳng khác gì ngắm bộ áo đẹp rồi khen :"Cái cúc này đắt đây...".

Thế thì còn gì nữa..

Vài dòng về lịch sử

Bản in "Tây Du ký" thế kỷ XVI.
Cuốn "Tây Du ký" vẫn được cho là của Ngô Thừa Ân được xuất bản khoảng năm 1590 (sau khi ông chết). Ông này thì chỉ mê chuyện ma, lớn lên văn hay chữ tốt mà thi mãi không đỗ. Cuốn này ông viết khi đã ngoài 70 tuổi.

Nhân vật chính trong "Tây Du ký" là cao tăng Huyền Trang là một nhân vật có thật. Ông dịch vô số kinh Phật từ chữ Phạn sang chữ Hán và là tổ của Pháp Tướng tông, một trường phái Phật giáo khá là "duy vật".

Huyền Trang tên thật là Trần Huy, sinh năm 596 thời Tùy Văn Đế, 13 tuổi đã đi tu. Do kinh sách Phật giáo thời đó ở Trung Hoa rất ít và khá lộn xộn nên năm 629 ông đã một mình đi sang Ấn Độ để tự tìm hiểu Phật giáo. Chuyến đi này được ông mô tả cặn kẽ trong bộ "Đại Đường Tây Vực ký".

Tranh vẽ Đường Tam Tạng Tây du.
Trong lịch sử thì chuyện thật chỉ có thế này, sư Huyền Trang đi sang Ấn Độ một mình. Lúc đầu ông mang theo một con ngựa quý nhưng chú ngựa này đã gục ngã vì không quen thổ nhưỡng cũng như cây cỏ xứ lạ. Lúc đó, ông được người bản xứ cho một con ngựa thồ chịu được "chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt" và đi được suốt ngày dù không đi nhanh. Còn con khỉ là có thật, đến nơi lạ, nhiều thứ cây quả ông không biết, ông thấy con khỉ ăn gì thì ông ăn cái đó nên mới đủ sức đi suốt hai2 năm trời. Còn yêu quái thì hoàn toàn không có. Có chăng là gặp một  bộ tộc ăn thịt người, ông dùng kiến thức y học uyên bác của mình giáo dục lại họ (hay "cảm hóa"?), khuyên họ những chế độ dinh dưỡng đúng đắn để "sống lâu muôn tuổi" (cái này thì các thiền sư là bậc thầy). Thậm chí ông còn thuyết phục được hai người tình nguyện xuất gia theo Phật giáo, tình nguyện theo ông sang Ấn Độ. Chuyện "Tây Du ký" chúng ta đọc hoàn toàn là một câu chuyện ngụ ngôn của Ngô Thừa Ân, còn phim thì...

Vậy "ngôn" gì "ngụ" trong đó?


Thứ nhất, "Tây Du ký" giải thích một cách rất hình tượng nhiều khái niệm Phật giáo, đó là điều dễ thấy nhất. Ví dụ như khái niệm "Tam muội chân hỏa" chẳng hạn. Phật giáo cho rằng những thói xấu của con người (Tham - Sân - Si, hay "Lửa Tam muội") như những ngọn lửa thiêu đốt bên trong và luôn khiến chúng ta tiêu tốn năng lượng sống vào những điều (mà Phật giáo cho là) tiêu cực, những điều xấu. Nhưng ai trong chúng ta cũng có, chỉ có những đứa trẻ là không bị những thói xấu này thôi thúc, chi phối. Nếu được định hướng tư duy ngay từ nhỏ thì có thể khiến những hành vi bắt nguồn từ cách nghĩ này được uốn nắn theo hướng tích cực. Đó là điều có thể thấy ngay qua chuyện Hồng Hài nhi cùng một lũ trẻ con thiêu đốt Tôn Ngộ Không, sau đó nhờ Quan (hay Quán) Thế âm Bồ tát (người cái gì cũng biết, cũng thấy, cũng hiểu và cũng có thể làm) thu phục theo Phật pháp, sau thành Thiện Tài đồng tử.

Ngay khái niệm Tham - Sân - Si còn thể hiện rõ ngay trong cơ cấu nhân sự của đoàn thỉnh kinh. Tham - Bát Giới (đã "Giới" nhưng lại "Tham" nhất, hay là "Tham" quá nên phải "Giới"(?)), Sân - Ngộ Không (hơi tí là nhìn rõ chân tướng của một sự vật, hiện tượng và có cách giải quyết luôn đầy bạo lực) và Si - Sa tăng và con ngựa. Nhưng tất cả có thể mang lại điều tích cực nếu được đứng dưới sự dẫn dắt của một tư tưởng ôn hòa, trung hậu (cái mà Phật giáo là điển hình) mặc dù có vẻ hơi "vô dụng", đó là Đường Tam Tạng, người mà luôn bị đa số độc giả nước ta chửi bới.

Hay nữa như khái niệm Nhân - Quả. Tại sao Tam Tạng cứ phải cặm cụi đi với tốc độ vài km/h trong khi Tôn Hành giả bay vèo một cái nửa vòng Trái Đất? Sao không nhờ quách ông này? Hay chí ít nhờ ông này cõng đi cho đỡ mất thời gian? Có đoạn rất phi logic là Tôn Ngộ Không bay qua sông lấy vật liệu chữa cái cầu cho ông sếp đi qua. Nhưng Phật giáo cũng là một triết phái mà triết phái nào không đề cao khái niệm Thời gian. Những thứ trong nháy mắt có thể lĩnh hội được thường là vài thủ thuật khéo tay nhanh mắt mà các lý thuyết Phật giáo không nằm trong số đó. Ngay cả khi bạn vào một ngôi chùa, khái niệm Thời gian bao giờ cũng ở vị trí cao nhất - 3 pho tượng Tam Thế.

Chưa kể chuyện Nhân - Quả hiện rõ trong số phận các nhân vật trong toàn bộ tiểu thuyết (kể cả các yêu quái). Mỗi người một vẻ, cũng phong phú như các khía cạnh của khái niệm này.

Cả 81 nạn là 81 câu chuyện ngụ ngôn nhỏ về những triết lý Phật giáo.

Thứ hai, "Tây Du ký" còn cung cấp cho độc giả vô số thông tin về các truyền thuyết trước khi Phật giáo đặt chân lên Trung Hoa. Nào là hệ thống Thiên Đình với thuyết Tương Đối đã được Trung Quốc hóa (một ngày Thiên Đình bằng một năm hạ giới), Bát tiên, Nhị Thập Bát tú (Thiên văn cổ đại với tuổi thọ 3000 năm), rồi Triết gia vĩ đại Lão tử trong vai Thái thượng Lão quân cùng ba khái niệm bất hủ của ông (Khái niệm "Không" - Nguyên Thủy Thiên tôn, Khái niệm "Lý" - Linh Bảo Đạo quân và "Dụng" - Thái thượng Lão quân)....

Thứ ba, tác phẩm này cung cấp thêm một công cụ nữa để hiểu cách ẩn dụ của các tác phẩm Trung Hoa cũng như các nền văn hóa chịu ảnh hưởng của nó. Chúng ta chịu ảnh hưởng của tư duy tuyến tính Tây phương nên đọc các tác phẩm cổ thường phải có một thao tác như kiểu "giải mã", có lẽ do phạm vi của ngôn ngữ không giống nhau. Ví dụ như kiểu nói "Mày làm thế thì Trời phạt!", "Trời" có thể là lương tâm, có thể là kết quả của một phép tính, là thành quả của một quá trình, nhưng hồi đó họ nói không nói vậy, họ không dùng từ như vậy mà đơn giản hơn nhiều - Trời phạt!

Chuyện ẩn dụ, ngụ ngôn này phương Tây cũng không thiếu, rõ rệt nhất là trong Kinh Thánh của Thiên Chúa giáo hay Thần thoại Hy Lạp - La Mã (kinh điển của văn hóa - Nghệ thuật Phương Tây). Tôi tin chắc rằng ở các vùng khác trên thế giới như Ai Cập, châu Phi hay người da đỏ Châu Mỹ cũng có, mặc dù chưa được đọc.

Ngôn ngữ, dù viết hay nói, là để truyền tải thông tin, rồi bản thân thông tin đó lại hiện ra với hình hài do đối tượng tiếp nhận chi phối. Mỗi người đọc hay xem một tác phẩm ngụ ngôn, ẩn dụ đều có quyền hiểu theo hướng do mặt bằng tri thức và vốn sống của anh ta quyết định. Thế mới có chuyện Khổng tử - Mạnh Thang hay chuyện "Món ngon nhất" của Esop. Người thầy đã khuất của tôi có một câu rất hay :"Người ta đọc sách như ra sông múc nước, mỗi người có một cái gáo khác nhau, múc ở chỗ khác nhau và vì những mục đích khác nhau nên nước mang về không thể giống nhau".

Nhưng có đúng hay không nếu chúng ta cứ áp đặt cho một đứa trẻ phải thế này hay thế kia mà quên đi một bộ môn cơ bản của giáo dục - Tâm lý học lứa tuổi. Là hay không khi một đứa trẻ được "già" hơn tuổi của nó theo ý thích của các bậc sinh thành, cái kẹo bọn chúng ăn bây giờ ngon hơn hay khi chúng 20 tuổi sẽ ngon? Nếu ngon hơn thì sao không cho chúng ăn bây giờ mà bắt chúng phải nuốt kèm với cả mớ lý luận về sâu răng hoặc béo phì? Hãy cứ cho chúng hiểu "Tây Du ký" là chuyện con khỉ đánh con  ma khi chúng chưa cắp sách tới trường, nhưng tới trình độ Đại học hoặc hơn nữa vẫn chỉ hiểu như vậy (hoặc hơn chút xíu) thì...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét